Gia Cát Lượng (181 – 234) tự Khổng Minh, hiệu Ngọa Long, là một nhà chính trị, nhà quân sự, nhà phát minh nổi tiếng của Trung Hoa cổ đại, là thừa tướng nước Thục Hán thời Tam quốc (220 – 280), được hậu thế xem là hình mẫu của trí tuệ và tấm lòng trung nghĩa.
Gia Cát Lượng cả đời bận rộn với binh nhung, vất vả với chính trị, ra sức xây dựng và củng cố triều đình Thục Hán. Ông học rộng biết nhiều, tinh thông binh pháp, hành xử cẩn trọng, suy tính chu đáo. Thông qua kinh nghiệm chính trị và kinh nghiệm quân sự của chính mình, cùng với quá trình nghiên cứu trứ tác của tiền nhân, Gia Cát Lượng đã tự hình thành một hệ thống mưu lược đặc sắc, trở thành một mưu lược gia kiệt xuất trong thời loạn.
Mưu lược của Gia Cát Lượng, hầu như mọi người chỉ biết đến thông qua bộ tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, phần nhiều là hư cấu, chứ ít ai biết đến những trứ tác binh học rất giá trị của Gia Cát Lượng, nổi tiếng nhất là Tiện nghi thập lục sách và Tướng uyển. Ngoài ra, còn có một bộ Ngọc hàm kim kính kỳ môn độn giáp bí cấp cũng đề tên tác giả là Gia Cát Lượng, nhưng bộ sách này có nhiều nội dung thần bí, e là do các đạo gia hậu thế mượn danh ông để viết ra.
Bên cạnh đó, nhắc đến Gia Cát Lượng mà bỏ qua bát trận đố thì thật sự là một thiếu sót. Như Tử lược của Cao Tự Tôn xác nhận: thừa tướng Vũ Hương Hầu Gia Cát Lượng nước Thục có Bát trận đó. Thông chí của Trịnh Tiều cũng nói: có Vũ Hầu Bát trận độ một quyển. Song đáng tiếc là ngày nay, gần như không còn ai biết bát trận đồ của Gia Cát Lượng xưa kia như thế nào. Hiện chỉ còn quyển Bát trận hợp biến đồ thuyết của Long Chính đời Minh được xem là tác phẩm giải thích bát trận đó đáng tin nhất.
Kể từ lúc rời lều tranh theo phò tá Lưu Bị cho đến khi qua đời ở Ngũ Trượng Nguyên, Gia Cát Lượng đã đưa ra không ít quyết sách, có cả thành công lẫn thất bại. Thành bại trong sự nghiệp của Gia Cát Lượng ít nhiều chịu sự chi phối của điều kiện lịch sử, song những lý luận mà ông đúc kết được thì vẫn còn nguyên giá trị, dù cho bao triều đại đã thay nhau.
Muốn tìm hiểu mưu lược của Gia Cát Lượng một cách chính xác nhất, có lẽ không gì hữu hiệu hơn là tiếp cận với những lý luận do chính ông để lại.
Với Tiện nghi thập lục sách và Tướng uyển, Gia Cát Lượng đã xác lập cho mình một vị trí quan trọng trong hàng ngũ các mưu lược gia số một của Trung Hoa.
Sử gia Tiền Mục (1895 – 1990) thời hiện đại đã không quá lời khi nhận xét:
“Có một Gia Cát Lượng, toàn bộ lịch sử thời Tam quốc liền rực sáng, tất cả đều trở nên có sắc màu, có ý nghĩa”
Tầm nhìn và kiến thức của Gia Cát Lượng rộng lớn thế nào, sâu sắc đến đâu, chỉ cần trực tiếp đọc tác phẩm của ông, chắc chắn mỗi người sẽ tự tìm thấy câu trả lời dành cho mình.
***
(Bìa cứng) MƯU LƯỢC TRUNG HOA quyển 2 – MƯU LƯỢC GIA CÁT LƯỢNG
Trung Nghĩa dịch và biên soạn
Nhà xuất bản: NXB Văn học
Nhà phát hành: Khang Việt
Mã ISBN: 978-604-477-934-8
***
Thông tin sách:
Hình thức: Bìa cứng
Kích thước: 16 x 24 cm
Số trang: 256 trang
Cân nặng: 500gr
Năm phát hành: 2024
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.