NGƯỜI CON CRISTOPHER COLOMBUS GÂY DỰNG LÊN CÔNG CỤ TÌM KIẾM GOOGLE BOOKS ĐẦU TIÊN TRÊN THẾ GIỚI TỪ THẾ KỶ XVI

Nguyễn Tuấn Bình

Từ 500 năm trước khi Google Books ra đời, công sức săn lùng, sưu tầm để gây dựng nên một thư viện chứa đựng mọi điều trên đời của một người đàn ông đã báo trước những thách thức dành cho ‘big data’ và sự phụ thuộc của chúng ta vào các thuật toán tìm kiếm để tìm hiểu mọi thứ tới nơi tới chốn.

129.864.880. Đó là số lượng sách trên thế giới, theo ước tính của Google Books, được chuyển đổi thành văn bản có thể tìm kiếm bằng cách sử dụng nhận dạng ký tự quang học và sau đó công bố chúng trực tuyến. Kể từ khi đi vào hoạt động vào năm 2005, Google Books đã cố gắng quét tất cả. Mặc dù kỳ vọng của Google Books còn bị cản bước bới những tranh cãi về bản quyền và mức độ sử dụng hợp lý, nhưng một khi công cuộc này thành công, nó có thể trở thành kho kiến thức trực tuyến lớn nhất nhân loại từng có.

Nửa thiên niên kỷ trước đó tại Seville, Tây Ban Nha, Hernando Colón (1488–1539) cũng theo đuổi cùng mục tiêu tham vọng tương tự: sáng lập nên một thư viện có tính phổ quát mà trước đó người ta chưa bao giờ mơ tưởng tới vì nó sẽ chứa đựng mọi điều trên thế gian. Và Colón thực sự đã cố gắng thu thập mọi thứ: từ những bản thảo quý giá đến những cuốn sách của tác giả vô danh, từ những tập sách nhỏ mỏng manh cho đến những tấm áp phích treo quán rượu, từ những bộ tuyển tập có tầm vóc lớn lao cho đến những cuốn sách lá cải đáng quẳng đi.

Chứng cuồng sách của Colón đã đưa ông chu du khắp châu Âu trong vòng ba thập kỷ. Theo Tiến sĩ Edward Wilson-Lee, Khoa ngôn ngữ Anh tại Sidney Sussex College trực thuộc Đại học Cambridge, ông đã mua 700 cuốn sách ở Nuremburg vào dịp Giáng sinh năm 1521, trước khi di chuyển đến Mainz, nơi ông tiếp tục mua hơn 1000 cuốn nữa trong vòng một tháng. Chỉ trong có một năm 1530, ông đã đến thăm Rome, Bologna, Modena, Parma, Turin, Milan, Venice, Padua, Innsbruck, Augsburg, Constance, Basle, Fribourg, Cologne, Maastricht, Antwerp, Paris, Poitiers và Burgos, mua cho bằng hết tất cả những gì ông có thể vớ được.

Wilson-Lee đã hợp tác với Tiến sĩ José María Pérez Fernández từ Đại học Granada để nghiên cứu về cuộc đời Colón, con ruột nhà hàng hải vĩ đại người Ý Christopher Columbus. Bên cạnh việc gây dựng nên thư viện của mình, Colón còn đồng hành cùng cha trên những chuyến hành trình khám phá tân thế giới và là người đầu tiên viết tiểu sử về Columbus; ông cũng mang đến những cách tân trong công tác vẽ bản đồ và sở hữu bộ sưu tập vô song về âm nhạc, hội hoạ và thực vật.

“Colón có trí nhớ phi thường và mang nỗi ám ảnh với việc lên danh mục.” Wilson-Lee tiết lộ trong công trình nghiên cứu của mình. “Mỗi lần mua sách, ông ta đều ghi chép tỉ mỉ mua ở đâu, khi nào, giá bao nhiêu và tỷ giá hối đoái ngày hôm đó. Đôi khi ông ghi lại xem mình đã ở đâu khi đọc nó, nghĩ gì về cuốn sách và liệu ông có gặp gỡ tác giả hay không. Những mẩu ghi chép đó đóng vai trò như hiện vật văn hoá vật thể, mỗi ghi chép là một bản tường thuật thú vị về cách thức người đàn ông này tiếp cận, sử dụng và rồi được những cuốn sách ấy biến đổi bản thân như thế nào.”

Hoạt động gần như ám ảnh này khiến cho những gì còn sót lại trong thư viện của ông – Biblioteca Colombina, toạ lạc bên trong Nhà thờ Chính toà Seville – trở thành nguồn tài liệu cực kỳ quan trọng để khám phá lịch sử sách, mạng lưới du hành và tri thức. “Khi khớp nối những mảnh ghép này lại với nhau,” Wilson-Lee nói thêm, “chúng kể lại một trong những cuộc đời phi thường nhất trong một thời kỳ ngập tràn những nhân vật gây mê hoặc.”

Wilson-Lee mô tả Colón đã sống vào thời kỳ “phát triển vũ bão” trong thế giới thay đổi theo cấp số nhân, giống hệt như cái cách Internet ra đời tác động lên chúng ta ngày nay; cụ thể trong thời đại của Colón, đó là sự chuyển đổi từ bản thảo viết tay sang sách in.

Wilson-Lee nói: “Đơn giản là không thể có một con người nào có thể đọc hết được mọi thứ”. “Có lẽ vào thời ông ấy còn trẻ, điều đó có thể thực hiện được – bởi hồi đó hẳn là chưa có nhiều sách được in ra. Nhưng khi thư viện của mình ngày càng phát triển, ông ấy nhận ra rằng mình cần phải tuyển mộ những độc giả đọc hết từng cuốn sách và cung cấp cho ông ta bản tóm lược – thực tế đây chính là tiền thân của Reader’s Digest.

Khi ý tưởng về việc tích lũy mọi kiến thức của Colón lớn lên thì một điều khác cũng tăng theo: nhu cầu bổ sung tính hệ thống cho thông tin mà ông thu thập được. Wilson-Lee nói: “Đó là một trong những thách thức về ‘big data’ đầu tiên. “Bạn có thể nắm giữ thông tin nhưng làm thế nào để bạn lĩnh hội được tất cả những thông tin đó?

“Một trong những khía cạnh thú vị của thư viện đó là nó cho thấy rằng đôi khi cách thức phân chia kiến thức không phải để đáp ứng co lý tưởng cao xa nào đó, một khoảnh khắc kiểu như Eureka nào đó, mà đôi khi lại là để đáp ứng một vấn đề thực tế. Trong trường hợp này, ‘Tôi có 15.000 cuốn sách, tôi phải sắp đặt chúng như thế nào?’” Việc đặt lên kệ sách nghe có vẻ hợp lý, nhưng ngay cả trên khía cạnh này Colón cũng là người đi tiên phong, Wilson-Lee phát biểu.

“Về bản chất, ông ấy đã phát minh ra giá sách hiện đại: từng hàng sách xếp thẳng đứng theo gáy, xếp chồng tầng lên nhau trong những kệ gỗ thiết kế đặc biệt.”

Vậy là từ vấn đề hiện hữu với mong muốn tìm cách cất giữ sách vở rất mau chóng biến thành vấn đề cần động não để những thứ đó được sắp đặt cùng nhau. Người ta buộc phải đưa ra cách thức sắp đặt nào đó. Wilson-Lee giải thích: “Bất cứ ai từng bước vào thư viện đều sẽ biết, trật tự là tất cả. Cách thức phân loại sách mau chóng tăng lên theo cấp số nhân khi bộ sưu tập ngày càng phát triển và mỗi cách sắp xếp sẽ đưa ra góc nhìn tổng thể tương đối khác biệt – bạn sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái, theo kích cỡ hay theo chủ đề?

“Hernando nhận thức sâu sắc về điều này. Ông gọi những bộ sưu tập không có thứ tự, hay ‘không được lập sơ đồ’, là ‘bộ sưu tập chết’.”

Ông muốn thư viện của mình không chỉ chứa đựng mọi điều mà còn “cung cấp một tập hợp các chủ điểm thể hiện cách thức toàn thế giới kết nối với nhau,” Wilson-Lee bổ sung thêm. “Ông ấy nhìn nhận Thư viện Toàn cầu này như là đối trọng trí tuệ – thành phần bộ não – đối với đế chế toàn cầu Tây Ban Nha hướng tới vào thế kỷ XVI. Đây là công cuộc mở mang khai phá đúng với tham vọng lớn lao của người cha: khám phá địa cầu.”

Một trong những bước đột phá của Colón nhằm giúp cho thư viện của mình trở nên dễ nắm bắt và kiểm soát thuận tiện hơn, đó là lập nên bản tóm lược bao quát nội dung sách chứa đựng hàm lượng thông tin khổng lồ, được gọi là Libro de Epitomes. Để tạo ra bản tóm lược này, ông đã thành lập một nhóm các sumista – những người phân loại, sắp đặt hàng nghìn cuốn sách trong thư viện – để chắt lọc nội dung từng cuốn sách, hướng tới cái đích tối thượng của ông: tất cả kiến thức trên thế giới có thể được cô đọng lại chỉ trong một vài cuốn sách: cuốn dành cho y học, cuốn dành cho ngữ pháp, v.v.

Một đột phá khác đó là thành lập bản đồ chỉ dẫn dành cho Thư viện bằng cách sử dụng 10.000 mảnh giấy ghi ký hiệu tượng hình. “Mỗi cách kết hợp những mảnh giấy này sẽ đưa ra một con đường khác nhau xuyên qua thư viện, giống như một nhóm các thuật ngữ tìm kiếm khác nhau trên internet sẽ đưa ra những thông tin khác nhau. Hiểu theo một nhẽ nào đó, Biblioteca Hernandina, tên gọi của nó lúc đó, là công cụ tìm kiếm đầu tiên trên thế giới.”

“Dẫu cho ông ấy đã qua đời cách đây gần năm thế kỷ, khám phá của Hernando về thế giới xung quanh có nét tương đồng đáng kinh ngạc, đôi khi giống đến kỳ lạ, với thế giới mà chúng ta đang khám phá ngày nay”. Wilson-Lee cho biết. “Cuộc cách mạng kỹ thuật số đã làm tăng hàm lượng thông tin có sẵn nhưng làm thế nào để bạn phân biệt được điều gì hữu ích và điều gì vô dụng? Chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào các thuật toán tìm kiếm khi yêu cầu Internet giúp chúng ta. Hernando cũng nhận thức được rằng việc bạn lựa chọn cách thức phân loại và xếp hạng thông tin sẽ mang đến những hệ quả lớn lao. Đôi khi chúng ta rất hay quên đi điều này – thành ra biến mình thành kẻ mộng du trên con đường thu thập và sắp đặt kiến thức.”

Ngày nay, thư viện của Colón chỉ còn lại hơn 3.000 đầu sách. Cho đến nay, cuộc đời người đàn ông phi thường này hầu như chẳng còn được ai chú ý đến; có lẽ phải phải còn rất lâu sau này nữa, người ta mới đánh giá đúng tầm nhìn xa trông rộng của ông khi nhận ra sức mạnh của các công cụ sắp xếp thế giới thông tin.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *