CUỐN TIỂU THUYẾT BÁN CHÁY HÀNG 1.000 BẢN IN TRONG VÒNG MỘT TUẦN VÀO NĂM 1903

Nguyễn Tuấn Bình

“Lady Rose’s Daughter” của Mary Augusta Ward có một thời làm mưa làm gió, sách bom tấn vào đầu thế kỷ 20.

Vào đầu thế kỷ 20, chuyên trang Book Review của New York Times thường xuyên đăng mục “Books in Demand” (Sách Yêu Thích), đưa ra danh mục những cuốn sách được hỏi mượn nhiều nhất tại Thư viện Công cộng New York (và hiểu theo cách nào đó, đây chính là tiền thân cho danh mục sách best-seller về sau).

Trong tuần đầu tiên của năm 1904, cuốn tiểu thuyết được quan tâm nhiều nhất tại thư viện này là “Lady Rose’s Daughter” (Con gái Phu nhân Rose) của tác giả người Anh Mary Augusta Ward. Được quảng bá là “câu chuyện hấp dẫn đến nghẹt thở và cuốn hút không thể dứt ra được”, tác phẩm kể về “một thiếu nữ có bản tính hiền dịu nổi loạn chống lại xã hội Anh”.

Những lời đánh giá có vẻ khá thận trọng vào thời điểm cuốn sách ra mắt vào đầu năm 1903. “Đây chắc hẳn là cuốn sách thu hút được sự chú ý của dư luận,” một nhà phê bình giấu tên viết trên trang Book Review vào ngày 14/03/1903, nhưng “nó không phải là tác phẩm mang đến giá trị khai sáng đặc biệt. Tư tưởng nó chứa đựng còn hạn hẹp và thiển cận. … Tuy nhiên xét về mặt văn chương – đây là tác phẩm đích thực, có tầm vóc. Trong nỗ lực lần này, và chúng ta có thể kỳ vọng ở cả các tác phẩm về sau, cô Ward đã bỏ qua những lời lẽ rao giảng giáo điều.

“Lady Rose’s Daughter” là câu chuyện hư cấu nhẹ nhàng về Julie de Lespinasse, người phụ nữ ở vào thế kỷ trước đó đã chủ trì một gian khách thính văn chương trứ danh tại Paris bất chấp việc cô là con gái ngoài giá thú của một nữ bá tước. Điều này dẫn đến “lời ong tiếng ve cho rằng bà Humphry Ward đã không phải là người sáng tạo ra bối cảnh giúp bà hình thành nên cuốn tiểu thuyết mới,” như trang Book Review nhận định.

Nhưng Ward – một nhà văn vô cùng thành danh khi đó – đã đăng đàn phát biểu rằng rằng nguồn cảm hứng cho “Lady Rose’s Daughter” trích dẫn “từ kho tàng tâm tư tình cảm của nhân loại, từ thế giới hồi ký Pháp”. Trang Book Review lưu ý rằng có lẽ người ta có thể tránh được những chuyện ồn ào nếu như tác giả “đề cập vắn tắt thông tin đó lên trang tiêu đề hoặc trong lời nói đầu, nhưng biết đâu làm như vậy sẽ lại tước đoạt đi cơ hội quý báu được thể hiện trình độ hiểu biết uyên bác từ những người chỉ trích bà.”

Dường như hết thảy những chuyện tranh cãi này đã thúc đẩy doanh số bán của “Lady Rose’s Daughter”, tác phẩm vốn từng được đăng nhiều kỳ trên Harper’s Magazine trước khi xuất bản. Đến tháng 7 năm 1903, The Times đưa tin rằng cuốn tiểu thuyết đã “thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng” và đang được bán “với doanh số 1.000 bản mỗi ngày” (thậm chí cho tới ngày nay, doanh số bán này vẫn được coi là mơ ước của bất kỳ người làm sách nào).

Tại mục tin đồn trên Book Review – đúng vậy, thực sự đã từng có một mục như thế – một đại lý phát hành sách văn học tên là Jeannette L. Gilder đã đoán định rằng “Bà Ward có thể đã nhận được không dưới 25.000 dollar từ việc bán tác quyền dưới dạng phát hành nhiều kỳ này,” và ước tính rằng tiền bản quyền cho riêng cuốn sách đó thôi sẽ là “hơn 150.000 dollar”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *