Bjørnstjerne Bjørnson nhà văn đoạt giải Nobel văn chương có bài thơ được chọn làm quốc ca Na Uy

Nguyễn Tuấn Bình

Bjørnstjerne Martinius Bjørnson (sinh ngày 8/12/1832 tại Kvikne, Na Uy—mất ngày 26/4/1910 tại Paris, Pháp) là nhà thơ, nhà viết kịch, tiểu thuyết gia, nhà báo, biên tập viên, diễn giả trước công chúng, giám đốc nhà hát và là một trong những nhân vật đại chúng lẫy lừng nhất tại Na Uy trong thời đại của mình. Ông được trao giải Nobel Văn học năm 1903 và thường được biết đến cùng với Henrik Ibsen, Alexander Kielland và Jonas Lie, nhóm “tứ đại văn nhân” của nền văn học Na Uy thế kỷ 19. Bài thơ ông sáng tác, “Ja, vi elsker dette landet” (“Phải rồi, chúng ta yêu thương xứ sở này”), là quốc ca Na Uy.

Bjørnson, con trai một mục sư, lớn lên tại miền quê thôn dã bình dị ở Romsdalen, vùng đất sau này trở thành bối cảnh cho các tiểu thuyết đồng quê của ông. Ngay từ bước khởi đầu, văn nghiệp của ông đã hướng tới mục đích giáo huấn; ông tìm cách khơi dậy niềm tự hào dân tộc về lịch sử và thành tựu của Na Uy cũng như bày tỏ những lý tưởng cao vọng. Suốt 15 năm đầu tiên trong sự nghiệp viết văn, ông đã lấy cảm hứng từ những câu chuyện sử thi (saga) và hiểu biết của ông về vùng nông thôn Na Uy đương đại. Ông khai thác hai khía cành này theo cái mà ông mô tả là hệ thống “luân canh mùa vụ” của mình: chất liệu saga được chuyển thành kịch nghệ, chất liệu đương đại được chuyển thành tiểu thuyết hoặc truyện dân gian. Cả hai đều nhấn mạnh những mối liên hệ ràng buộc Na Uy xưa và nay; cả hai đều góp phần nâng cao tinh thần dân tộc. Các tác phẩm ban đầu theo phong cách này là câu chuyện dân gian Synnøve solbakken (1857; Niềm tin và thử thách, Tình yêu và cuộc sống tại Na Uy, và Ngọn đồi tràn ngập Nắng), vở kịch lịch sử một màn Mellem slagene (1857; “Giữa các trận chiến”) và các truyện Arne (1858) và En Glad gut (1860; Câu trai Vui vẻ) và vở kịch Halte-Hulda (1858; Hulda Què Quặt).

Năm 1857–59, ông kế nhiệm Ibsen làm giám đốc nghệ thuật tại Nhà hát Bergen. Ông kết hôn với nữ diễn viên Karoline Reimers vào năm 1858 và trở thành biên tập viên cho tờ Bergenposten. Hoạt động của ông tại tờ báo này đã góp phần hạ bệ Đảng Bảo thủ vào năm 1859, mở đường cho việc thành lập Đảng Tự do không lâu sau đó. Sau khi du hành ra nước ngoài trong ba năm, Bjørnson trở thành giám đốc của Nhà hát Christiania, và từ năm 1866 đến năm 1871, ông làm công tác biên tập tờ Norsk Folkeblad. Trong cùng thời gian này, ấn bản lần đầu của Digte og sange (1870; Thi ca và Lời hát) và sử thi Arnljot Gelline (1870) cũng ra mắt.

Các cuộc đấu tranh chính trị và luận chiến trong làng văn đã quấy rầy ông suốt một thời gian dài khiến Bjørnson buộc phải rời Na Uy để tĩnh tâm viết văn. Do đó, hai vở kịch mang lại danh tiếng quốc tế đều được ông sáng tác trong tình trạng tự ép buộc mình sống lưu vong: En fallit (1875; Vụ Phá sản) và Redaktøren (1875; Người Biên tập viên). Cả hai đều đánh trúng những đòi hỏi dành cho sứ mệnh văn chương đương thời: đưa ra những vấn đề cần bàn cãi, hai vở kịch tiếp theo: Kongen (1877; Đức Vua) và Det ny system (1879; Hệ thống mới) cũng mang tinh thần tương tự. Trong số các sáng tác về sau của ông, người ta nhớ đến hai cuốn tiểu thuyết, Det flager i byen og på havnen (1884; Di sản của người Kurt) và På Guds veje (1889; Theo Ý Chúa), cũng như một số vở kịch ấn tượng, bao gồm Over Ævne I og II (1883 và 1895; Vượt quá Sức mạnh và Quyền năng của con Người). Cuốn tiểu thuyết đầu tiên là lời chỉ trích gay gắt dành cho Ki-tô giáo và là màn thách thức những niềm tin vào phép lạ, trong khi tiểu thuyết thứ hai đề cập đến cuộc biến chuyển trong xã hội và khơi gợi lên rằng sự biến chuyển đó phải bắt đầu từ môi trường học đường. Paul Lange og Tora Parsberg (1898) thì lại quan tâm đến chủ đề bất khoan dung trong chính trị.

Về sau, Bjørnson tự coi mình là người theo chủ nghĩa Xã hội, làm việc không mệt mỏi vì hòa bình và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau. Danh tiếng của Bjørnson đã vang xa toàn thế giới, những vở kịch của ông góp phần gây dựng chủ nghĩa hiện thực xã hội ở châu Âu, và ông được trao giải Nobel năm 1903.​

Bjørnson đã góp công sức rất lớn mang hình ảnh Na Uy bước khỏi cái bóng phủ mờ của Đan Mạch và Thụy Điển, đến với thế giới thông qua cả tác phẩm văn chương bao gồm thơ, truyện, kịch, truyện cổ tích về đề tài lịch sử… lẫn sự nghiệp đấu tranh chính trị dài lâu của ông. Nhà phê bình văn học Georg Brandes từng nhận xét: “Gọi lên cái tên Bjørnson cũng giống như giương lá cờ Na Uy vậy…”

Nói đến gia tài văn chương của Bjørnstjerne Bjørnson, cây bút mang nặng dân tộc tính, ta không thể không nhắc tới những tác phẩm ông viết về người nông dân Na Uy, mà cụ thể hơn chính là ba tác phẩm thời kỳ đầu đã mở màn cho sự nghiệp viết lách lẫy lừng của ông về sau. Mãi tới năm 2024 lần đầu tiên độc giả Việt Nam mới được biết đến ông qua bộ ba tác phẩm lần đầu được dịch sang tiếng Việt: Bí mật của Synnøve, Chuyện tình chàng Arne, và Chuyện tình chàng Arne. Hy vọng rằng đây chỉ là bước khởi đầu để mang văn chương Bắc Âu nói chung và văn học Na Uy nói riêng đến gần với bạn đọc Việt Nam hơn nữa.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *