Jennette McCurdy – diễn viên của loạt phim ăn khách iCarly – tưởng chừng là hình mẫu lý tưởng của một sao nhí thành công: bắt đầu diễn xuất từ năm 6 tuổi, được hàng triệu khán giả yêu mến nhờ những vai diễn xuất sắc và có cuộc sống xa hoa, thời thượng đáng mãn nguyện. Thế nhưng, sự tồn tại của McCurdy đằng sau màn ảnh còn lâu mới lý tưởng như mọi người vẫn nghĩ. Bên dưới vỏ bọc hào nhoáng của sự nổi tiếng là vô số sang chấn tâm lý và chuỗi ngày dài bị thao túng bởi chính đấng sinh thành của mình.
Trong cuốn hồi ký “Lòng tôi nhẹ khi mẹ rời xa” (tựa gốc: I’m Glad My Mom Died), Jennette McCurdy đã miêu tả mối quan hệ độc hại giữa cô và người mẹ Debra – một người phụ nữ ái kỷ, độc đoán, thích thao túng và ám ảnh tích trữ. Đồng thời, thông qua hành trình trưởng thành của mình, McCurdy cũng phơi bày những mặt tối của ngành công nghiệp giải trí Mỹ, từ việc các bé gái bị đối xử như những công cụ kiếm tiền, các cá nhân quyền lực có thể một tay che trời, đến các vấn đề tâm lý mà người trong cuộc có thể gặp phải.
Cuốn sách mở đầu bằng những hồi tưởng của Jennette McCurdy về thời thơ ấu đầy dấu ấn thao túng của mẹ. Từ lúc còn rất nhỏ, cô đã phải gánh lấy giấc mơ dang dở của mẹ và dấn thân vào ngành công nghiệp giải trí trong khi chưa sẵn sàng để đương đầu với những nghiệt ngã trong môi trường đó. Áp lực phải thành công đã khiến tuổi thơ của cô bé McCurdy bị bao trùm trong không khí căng thẳng và sợ hãi, nơi giá trị của cô chỉ được đo đếm bằng việc đáp ứng kỳ vọng của mẹ.
Như rất nhiều đứa trẻ khác, McCurdy bé nhỏ khao khát được mẹ yêu thương và muốn làm cho mẹ tự hào về mình. Cô nghe theo sự kiểm soát gắt gao của mẹ – từ chế độ ăn, hình thể, trang phục cho đến những mối tương tác xã hội, thậm chí là quá trình trưởng thành tự nhiên – bởi cô nhận ra mẹ cô có vẻ thương cô hơn mỗi khi cô tuân theo những đòi hỏi khắt khe đến phi thực tế của mẹ. Đây chính là nguyên nhân của những xung đột tâm lý kéo dài suốt những năm tháng trưởng thành về sau này của McCurdy, khi cô chật vật dung hòa giữa mong muốn được mẹ công nhận với những tác động tiêu cực mà sự thao túng của bà gây ra.
McCurdy càng thành công và được nhiều người biết đến thì sự kiểm soát của mẹ cô lại càng gắt gao. Theo mạch nội dung của quyển sách, độc giả hẳn sẽ rùng mình khi thấy sự thao túng đó lan ra mọi khía cạnh trong cuộc đời McCurdy, từ các mối quan hệ bạn bè cho đến những quyết định trên con đường sự nghiệp. Và theo thời gian, cô mất đi khả năng tự chủ, không thể xác định được mình là ai và muốn làm gì. Sự thao túng và kiểm soát của mẹ đã khiến cô không thể trưởng thành và tạo ra một sự phụ thuộc không thể phá vỡ.
Bước ngoặt trong câu chuyện của McCurdy chính là cái chết của mẹ. Đây là một mất mát to lớn, đồng thời cũng đánh dấu hành trình tìm lại chính mình của cô. Khi mẹ cô không còn ở đó để đưa ra quyết định, McCurdy phải bắt đầu học cách làm chủ cuộc đời mình. Cô phải đối diện với những hành động và lối suy nghĩ đã ăn sâu vào tâm trí cô dưới sự thao túng của mẹ, cũng như những cảm xúc và tình cảm phức tạp mà cô dành cho mẹ. Chính tựa đề của quyển sách cũng lột tả sự phức tạp này: dẫu đau buồn trước sự ra đi của mẹ, nhưng cô cũng cảm thấy nhẹ lòng khi không còn bị bà kiểm soát. Sự xung đột này được thể hiện xuyên suốt quyển sách, lột tả những cảm xúc mâu thuẫn thường thấy trong các mối quan hệ thao túng.
Quá trình đương đầu và xử lý những cảm xúc này của McCurdy cũng chính là quá trình cô tự chữa lành và tìm lại danh tính của bản thân. Cô bắt đầu phá vỡ những trói buộc tâm lý đã hình thành trong tâm trí mình từ thời thơ ấu, tìm đến các liệu pháp khoa học và sự nâng đỡ tinh thần có thể giúp cô giải quyết những vấn đề sức khỏe tâm thần. Đây là một hành trình gian nan nhưng cũng mang đến cho cô sức mạnh và sự sáng tỏ. Hành trình đấu tranh của McCurdy trong cuốn sách này cũng góp phần vào cuộc tranh luận về sức khỏe tâm thần, sự lạm dụng cũng như những ảnh hưởng tiêu cực kéo dài trong các mối quan hệ độc hại.
Không chỉ xoay quanh câu chuyện cá nhân, cuốn hồi ký của McCurdy còn là hồi chuông cảnh tỉnh để mọi người phải xem xét lại tác động của ngành công nghiệp giải trí đối với các diễn viên nhí. Cô cho độc giả thấy những áp lực và cạm bẫy mà người trong cuộc phải trải qua khi sống dưới con mắt của công chúng, lột trần những vấn đề thường bị xem nhẹ trong cách vận hành của hệ thống này, từ đó dấy lên những câu hỏi về trách nhiệm của những người có thẩm quyền trong ngành. Thông qua câu chuyện của bản thân, McCurdy cũng tạo tiền đề để xây dựng một nhận thức tốt hơn và hệ thống hỗ trợ hiệu quả hơn cho các diễn viên nhí.
Với những dòng hồi ký chân thành, “Lòng tôi nhẹ khi mẹ rời xa” của Jennette McCurdy không chỉ cho độc giả thấy mối tương quan phức tạp giữa danh tiếng, nền tảng gia đình và sức khỏe tâm thần, mà còn động viên những cá nhân đang ở trong hoàn cảnh bị thao túng đứng dậy đấu tranh để làm chủ cuộc đời mình.
***
(Top 1 New York Times Bestseller) LÒNG TÔI NHẸ KHI MẸ RỜI XA
Tác giả: Jennette McCurdy
Dịch giả: Rô
Nhà phát hành: First News
Nhà xuất bản: NXB Dân Trí
***
Thông tin sách:
Hình thức: Bìa mềm, tay gấp, có hiệu ứng
Khổ sách: 14,5 x 20,5 cm
Số trang: 488 trang
Cân nặng: 500gr
Năm phát hành: 2024
***
#lòng_tôi_nhẹ_khi_mẹ_rời_xa
#1_new_york_times_bestseller
#first_news
Đánh giá khách hàng
There are no Đánh giá khách hàng yet.