Rachel sáu tuổi, có cha mẹ và một chị gái yêu thương cô. Cô bé đang học lớp Một và có một người bạn thân ở trường. Tất cả đều rất bình thường, chỉ có một bất ổn: Rachel cảm thấy dễ bị lây lan những đặc điểm thể chất của người khác, dẫn đến việc cô trở thành bệnh nhân trẻ tuổi nhất mắc chứng chán ăn. Một bác sĩ tâm thần đã viết trong hồ sơ bệnh án rằng Rachel là “một bé gái phát triển tốt nhưng rất gầy và không gặp phải nỗi buồn sâu sắc nào”. Nhưng tại sao cô vẫn bị kết luận là mắc chứng chán ăn tâm thần bất thường?
“Từ ‘biếng ăn’ đầy uy lực đến mức tôi sợ phải nói ra. Tôi đang học cách phát âm các chữ cái và các từ ngữ cho cảm giác giống như những thực thể hữu hình thể hiện ý nghĩa của mình bằng một cách nào đó. Tôi không nói ra tên bất kỳ món ăn nào vì việc phát âm các từ đó cho cảm giác giống như đang ăn… Tôi sẽ ăn một chiếc bánh vòng nhưng không chịu ăn một bát nhỏ Cheerios – một chữ O lớn có vẻ dễ ưa hơn ba trăm chữ O bé xíu.” Tất cả những diễn biến dẫn đến chứng bệnh tâm thần đó đều xuất phát từ một tâm trí bất ổn và những trải nghiệm nhỏ trong cuộc sống hằng ngày, nhưng rốt cuộc lại dẫn đến một hậu quả lớn.
Nghe có vẻ sáo mòn nhưng lằn ranh giữa bình thường và bất thường thực sự là một ranh giới mong manh. Một con người có xuất phát điểm hết sức bình thường, thậm chí tốt đẹp, không có điều kiện đặc biệt nào khiến họ trở nên bất thường, nhưng một chuỗi sự kiện, cộng với một bất ổn vô hình nào đó trong tâm trí đã biến họ thành bất thường trong mắt người khác. Đó là những câu chuyện mà Rachel Aviv, bằng những báo cáo y khoa và những hồi ký chưa xuất bản, kể trong “Người lạ với chính ta” (tựa gốc: Strangers to Ourselves).
Cuốn sách kể về trải nghiệm bệnh chán ăn của chính tác giả khi còn nhỏ và những bệnh nhân đấu tranh với chứng bệnh tâm thần. Đó là câu chuyện một người phụ nữ da đen đấu tranh với chứng tâm thần phân liệt và trải nghiệm phân biệt chủng tộc; hay câu chuyện một người phụ nữ Ấn Độ nỗ lực rời bỏ gia đình để kết hôn và cống hiến cuộc đời cho thần Krishna… Bằng những câu chuyện người thật việc thật được diễn tả với góc nhìn mới mẻ và một văn phong cuốn hút, Rachel cho thấy cách những diễn biến của một tâm trí bất ổn đã định hình chúng ta thành một “người lạ với chính ta” như thế nào.
Những trang sách hé lộ cho chúng ta suy nghĩ và cảm nhận của các nhân vật khi phải đối mặt với những giới hạn trong cách giải thích tâm thần học về bản thân họ và cách cuộc đời họ bị ảnh hưởng vì những chẩn đoán này. Qua các trường hợp có thật, Rachel cho thấy phương pháp điều trị bệnh tâm thần đã thay đổi như thế nào theo thời gian. Cô cũng cho độc giả thấy rằng một chẩn đoán không phải có thể áp dụng cho tất cả. Thuốc từng được cho là có thể giải quyết mọi chứng bệnh tâm thần, nhưng thực tế lại chứng minh điều ngược lại. Nếu dùng thuốc nhưng không xét đến tính cách, hoàn cảnh sống, đặc điểm di truyền thì không thể hiểu được một cá nhân mắc bệnh tâm thần và biểu hiện của bệnh. Điều trị một chứng bệnh trong tâm trí là điều trị cả con người chứ không thể chỉ chữa các triệu chứng.
“Người lạ với chính ta” cũng nói lên tầm quan trọng của việc xóa bỏ thái độ kỳ thị đối với bệnh tâm thần, tạo ra một môi trường để mọi người đều có thể được chữa lành, một thế giới mà mọi nỗi đời riêng đều được thấu tỏ, để không ai bị bỏ rơi trong mặc cảm và phải vẫy vùng để ngoi lên giữa những ánh mắt thiếu cảm thông.
***
NGƯỜI LẠ VỚI CHÍNH TA
Tác giả: Rachel Aviv
Dịch giả: Bùi Trần Ca Dao
Nhà phát hành: First News
Nhà xuất bản: NXB Dân Trí
***
Thông tin sách:
Hình thức: Bìa mềm
Số trang: 344 trang
Kích thước: 16×21 cm
Năm phát hành: 2025
***
#binhbanbook #sach #book #Người_Lạ_Với_Chính_Ta #Rachel_Aviv #First_News
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.