Lịch sử của một gia tộc bước cùng nhịp với lịch sử của một dân tộc, những thăng trầm của lịch sử dân tộc để lại những dư chấn sâu sắc trong lịch sử của mỗi gia tộc, nhưng lịch sử dân tộc là câu chuyện của cộng đồng, còn lịch sử gia tộc là câu chuyện của những cá nhân, trong số những cá nhân đó, có những người mắc kẹt giữa những mâu thuẫn của lịch sử dân tộc, có những người đơn giản chỉ là nạn nhân của những biến động chính trị. “Gia tộc” được kể từ điểm nhìn của bậc con cháu về thế hệ đi trước của mình nhưng tiểu thuyết không hoàn toàn mang màu sắc sử thi, mà mang dậm màu sắc bi kịch với những chấn thương tâm hồn của thế hệ sau, với những ám ảnh về cuộc sống ấu thơ trong căn nhà tranh ở một vùng hoang vu với người bà mái tóc bạc phơ bên cây mận hoa trắng, ám ảnh về người bố oan khuất bị bắt đi lao động cải tạo, ám ảnh về những đau khổ của một đứa trẻ vốn là con cháu của hai dòng họ lớn nhưng lại phải lưu lạc trong vùng núi cao…. Mỗi dân tộc đều có huyền thoại của riêng, mỗi dòng họ lớn cũng có những truyền kì của họ, mỗi dân tộc đều có những anh hùng của mình, mỗi gia tộc cũng có những nhân vật huyền thoại mang lại niềm tự hào cho những người trong gia tộc. Ông nội của nhân vật Tôi, họ Ninh, sống ở miền núi, đã quá chán với cuộc sống giàu có sung túc, luôn muốn trải nghiệm những thứ mới lạ, thậm chí còn dẫn cả đám cướp về cướp chính nhà mình, rồi chính mình trong trang phục của một vị tướng cầm giáo cưỡi ngựa xông ra đánh đuổi, cũng chính người đó đã cưỡi con ngựa đỏ bỏ nhà đi theo tiếng gọi của phương nam xa lạ và đầy hấp dẫn. Hình ảnh người đàn ông cưỡi con ngựa đỏ và tiếng gọi của phương xa luôn hiện lên trong tâm khảm của một người ở thế hệ sau. Ông ngoại của nhân vật Tôi, họ Khúc, là lão gia của một gia đình giàu có trong thành phố nhỏ ven biển, vượt qua sự khắc nghiệt của người mẹ để lấy một người hầu trong nhà, đã cống hiến cả tài sản và công sức của mình cho đội quân của Ân Cung nhưng cuối cùng lại bị ám sát. Bố nhân vật Tôi hăng hái tham gia khởi nghĩa, nhưng khi khởi nghĩa thành công thì cũng là lúc gia đình gặp bi kịch, bố bị bắt một cách oan khuất, gia đình bị tịch thu tài sản, Khúc phủ bị trưng dụng, bà, mẹ và nhân vật Tôi phải đến ở nhờ một người từng là người hầu trong Khúc Phủ trong căn nhà lá ở một vùng hoang vu. Gắn với những suy tư về dòng họ của mình là những trăn trở về cuộc sống hiện tại của nhân vật tôi, của những số phận bi kịch khác trong biến động của lịch sử như Chu Á, Đào Minh…
Là người viết tiểu thuyết nhưng cũng là người sáng tác thơ, nên trong “Gia tộc” phong phú hình ảnh biểu tượng, đầy trăn trở suy tư. Xen lẫn trong mạch trần thuật còn có những bài thơ văn xuôi mang lại chất trữ tình sâu lắng cho tiểu thuyết, đồng thời những bài thơ văn xuôi đó cũng là sự nối tiếp thủ pháp kể chuyện trong truyền thống tự sự của Trung Quốc – “có thơ làm chứng”, “có thơ rằng…”. Ở khía cạnh nghệ thuật, “Gia tộc” có sự tiếp nối nghệ thuật tự sự truyền thống của Trung Quốc, tiếp thu các thủ pháp hiện đại của văn học phương Tây tạo nên một “gia tộc” khác – gia tộc nghệ thuật.
***
GIA TỘC
Tác giả: Trương Vỹ
Dịch giả: Đỗ Văn Hiểu
Nhà phát hành: NXB Hội Nhà Văn
Nhà xuất bản: NXB Hội Nhà Văn
***
Thông tin sách:
Hình thức: Bìa mềm
Số trang: 634 trang
Khổ sách: 16 x 24 cm
Cân nặng: 500gr
Năm phát hành: 2024
***
#gia_tộc
#nxb_hội_nhà_văn
Đánh giá khách hàng
There are no Đánh giá khách hàng yet.