Tác phẩm “Diễn ngôn về giới trên truyền thông sau Đổi mới” cung cấp một góc nhìn giúp nhận diện vấn đề giới trong sự biến đổi xã hội ở Việt Nam. Cuốn sách hướng tới trả lời một câu hỏi cơ bản: “Những diễn ngôn phổ biến trên truyền thông sau Đổi mới cho biết gì về dòng chảy lịch sử của vấn đề giới cũng như sự biến đổi của xã hội Việt Nam hiện nay?”
Cuốn sách là một công trình nghiên cứu coi diễn ngôn về giới như những văn bản hàm chứa những ý nghĩa văn hoá gắn với bối cảnh lịch sử và xã hội ở Việt Nam, từ đó làm lộ ra sự kiến tạo về giới thông qua ngôn ngữ. Nó đã góp phần chỉ ra những diễn ngôn về giới sau Đổi mới có tính tiếp nối từ các diễn ngôn về giới từ trong truyền thống và đặc biệt là từ đầu thế kỷ XX, được củng cố trong suốt lịch sử thăng trầm của dân tộc, bởi các điều kiện khả thể của diễn ngôn tiếp tục tạo điều kiện cho chúng tồn tại và được củng cố. Cuối cùng, công trình đã phân tích những động năng mới của diễn ngôn về giới trên truyền thông xuất phát từ những khả thể mới như internet, chính sách, toàn cầu hoá, và những thay đổi về gía trị của thế hệ trẻ.
Đây là một cuốn sách chuyên khảo đề cập tới sự kiến tạo về giới (nữ) thông qua ngôn ngữ trên truyền thông sau Đổi mới (thực chất là từ đầu thế kỷ XX tới nay). Với phong cách ngôn ngữ học thuật và khối lượng trường hợp khảo sát đồ sộ suốt từ đầu thế kỷ XX cho tới nay, đây không hẳn là một cuốn sách dễ đọc và thích hợp cho tất cả độc giả. Tuy nhiên với những độc giả muốn đi tìm hiểu ngọn nguồn tri thức về phụ nữ trên truyền thông qua các thời kỳ, có căn cứ khoa học, thì đây chắn chắn là một trong những cuốn sách dành mà bạn đang tìm kiếm.
Độc giả, nếu thực sự bỏ công sức đi cùng tác giả đi đến hết hành trình của nghiên cứu, phần nào có thể bóc tách và hiểu được từng lớp tri thức hệ cùng hiện diện trong nhận thức về bản thân người phụ nữ hiện nay như thế nào. Chúng ta cũng có thể thấu hiểu được cách nghĩ, hệ tư tưởng của các thế hệ đi trước, hiện diện trong nhận thức và cách thực hành đời sống của các bà, các mẹ, thế hệ con cái của mình, từ đó học được cách thấu hiểu, chung sống và yêu thương đúng cách.
Hiểu được quan điểm nào chúng ta được tiếp nhận qua môi trường văn hoá, suy nghĩ nào đã được nối tiếp, trao truyền từ người bà người mẹ, và tri thức hệ hiện đại đã chi phối cách chúng ta nhận thức về bản thân ra sao. Tất cả những điều đó, phần nào giúp độc giả hiện đại giải thích “sự băn khoăn” được đưa ra trong câu hỏi của nhà nghiên cứu Lê Thị Nhâm Tuyết: “Tại sao đàn ông cứ bình thản là đàn ông, trong khi phụ nữ lúc nào cũng là nạn nhân của mọi thứ định kiến, đồng thời lại là đối tượng được nâng niu trân trọng trong vai trò của ngọn nguồn nghệ thuật sáng tạo văn học nghệ thuật?”
Đây là nguồn tài liệu hữu ích cho những nhà nghiên cứu, những học viên, sinh viên và người đang quan tâm tìm hiểu về vấn đề giới, phụ nữ, truyền thông, diễn ngôn..
***
DIỄN NGÔN VỀ GIỚI TRÊN TRUYỀN THÔNG SAU ĐỔI MỚI
Tác giả: TS. Hồ Thị Giang
Nhà phát hành: NXB Văn Học
Nhà xuất bản: NXB Văn Học
***
Thông tin sách:
Hình thức: Bìa mềm
Khổ sách: 14,5 x 20,5 cm
Số trang: 360 trang
Cân nặng: 500gr
Năm phát hành: 2024
***
#diễn_ngôn_về_giới
#nxb_văn_học
Đánh giá khách hàng
There are no Đánh giá khách hàng yet.