Tù binh Mỹ làm gì ở các Hỏa Lò của Bắc Việt (1965-1973)? Cuốn sách “Tù binh Mỹ vì hòa bình: cuộc chiến trong lòng nước Mỹ” đề cập một cách triết lý nhưng dễ hiểu, những căn nguyên sâu xa của sự tích đầy mâu thuẫn ở phương tây về các “phi công mặc áo ngủ” của Không lực Hoa Kỳ tại “khách sạn Hilton Hanoi”.
Nhưng trong cuốn sách cũng thấp thoáng đời sống thường nhật của những địa chỉ một thời bí mật nhất quả đất – nơi giam giữ các “giặc lái Mỹ” theo cách gọi của dân miền Bắc, lại chỉ nằm cách nhà của một người dân Hà Nội vài chục mét (bên kia đường – như số 17 Lý Nam Đế) … hay thậm chí tại nhà dân một làng ở Sơn Tây, cách nơi người Hà Nội tới sơ tàn chỉ dăm bẩy dặm… Các chi tiết này đến từ các hồi ký và sách có chứa các tự truyện của các cựu tù binh Mỹ ở miền Bắc Việt Nam trước 1973.
Về cuộc sống thuần dân sự ở Hỏa Lò, nói riêng, sách dẫn Đại úy Không quân Joseph Crecca có bằng cử nhân cơ khí, cho hay khi còn là tù binh, anh ấy “đã có cơ hội học tiếng Nga cũng như dạy các môn toán, vật lý, nhạc cổ điển, lý thuyết ô tô và cơ khí”.
Sách dành phần lớn nội dung của mình kể về cuộc chiến trong bốn bức tường Hỏa Lò giữa phe chủ hòa, chống chiến tranh trong tù binh Mỹ, và các diều hâu chủ chiến, hành động theo khuôn mẫu “tù binh nhưng vẫn tham chiến”. Cuộc chiến này song hành với một cuộc “nội chiến” trong lòng nước Mỹ khi đó về thái độ với cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Sách dùng nhiều thủ pháp văn học sử để thể hiện chủ đề tù binh Mỹ nhập cuộc trở lại với đời sống nước Mỹ ra sao, kể cả dùng chuỗi các phim Hollywood ăn khách làm mạch chuyện cho chủ đề này, có vẻ là một thành công của các tác giả, đem lại cho sách một giá trị độc đáo về quan sát nhân tình thế thái ở phương Tây. Sách cho rằng các cựu tù binh sẽ thuận lợi hơn nếu hòa giọng vào dàn đồng ca chính trị của nhà cầm quyền, một số khác gặp khó khăn, nhất là nếu vẫn giữ chính kiến của mình, điều trở nên sinh tử với họ trong thế “trứng chọi đá”, và còn có cả cựu tù binh không thể tái hòa nhập được, chọn cách đi sang một nước thứ ba, nơi anh ấy vẫn tiếp tục bày tỏ được chính kiến của riêng mình,
Sách viết về thời khắc trước khi Hiệp định Paris được ký kết, khi chiến dịch Linebaker II vừa diễn ra. Dưới áp lực của trận không kích Hà Nội bằng B-52, các thành viên trong nhóm 6 người của Ủy ban hòa bình trong trại giam tù binh Mỹ thậm chí đã ký đơn đề nghị được nhập ngũ vào… Quân đội nhân dân Việt Nam.
“Tới thời khắc các tù binh được hồi hương vào đầu năm 1973, cuộc chiến bên trong các bức tường của Hỏa Lò còn căng thẳng hơn cả cuộc chiến giữa tù binh và người canh giữ họ. Căng thẳng giữa các sĩ quan và những người nhập ngũ, là phổ biến trong các tổ chức quân sự, ở đây trở thành những lập trường (của các) giai cấp (đối kháng), trong đó các sĩ quan bất chấp quyền lợi của những người nhập ngũ để chỉ nhăm nhăm giữ cho được danh tiếng người hùng của mình, còn những người nhập ngũ công khai gạt bỏ sự oai phong này của các sĩ quan cao cấp chủ chiến…”
Sách cũng phân tích kỹ cội nguồn của động cơ phản chiến của ít nhất hai tù binh phi công có quân hàm cao, và rọi ánh sáng lên các thanh gươm Damoclet lơ lửng trên đầu họ trong tiến trình hoạt động vì hòa bình này. Gươm Damoclet cũng treo trên đầu các ngọn cờ phản chiến là lính quân dịch Mỹ, và có những thanh đã rơi xuống, theo cách thức khác nhau.
Việc nhà cầm quyền sử dụng nhu cầu cần tái hòa nhập vào vòng quay hối hả của cộng đồng lớn ở quê hương của các cựu tù binh để trung lập hóa những tiếng nói phản chiến trong họ cũng là một chủ đề xuyên suốt của sách.
Mời các bạn thoát ra khỏi những tin nóng hàng ngày như về Ba Vàng, Lò –Củi… để quay lại với những trang phần nào còn khuất thuộc về “thời đại Việt Nam” (Vietnam era)…
***
[Chú thích, ảnh minh họa] TÙ BINH MỸ VÌ HÒA BÌNH: CUỘC CHIẾN TRONG LÒNG NƯỚC MỸ
Tác giả: Tom Wilber và Jerry Lembcke
Dịch giả: Lê Đỗ Huy
Nhà xuất bản: Thế Giới
Năm phát hành: 2024
***
Thông tin sách:
Hình thức: Bìa mềm
Kích thước: 13 x 20,5cm
Số trang: 290 trang
Mã ISBN: 978-604-77-5541-7
Cân nặng: 500 grams
***
#Tu_binh_My_vi_hoa_binh
#Tom_Wilber
#Jerry_Lembcke
#Nha_xuat_ban_the_gioi
Đánh giá khách hàng
There are no Đánh giá khách hàng yet.