Nguyễn Tuấn Bình
Henry Kissinger là một trong những nhân vật ảnh hưởng nhất, cũng là nhà ngoại giao tạo ra nhiều tranh cãi nhất của thế kỷ XX. Khi nhắc đến Kissinger, người Việt biết đến ông chủ yếu trong kháng chiến chống Mỹ, khi ông ở bên kia chiến tuyến. Ông cùng Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã lãnh đạo Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam những năm 70 của thế kỷ trước. Trên mặt trận ngoại giao, những màn đấu trí giữa ông và nhà ngoại giao Lê Đức Thọ trong suốt quá trình đàm phán Hiệp định Paris là một phần không thể bỏ qua.
Trong gần 70 năm sự nghiệp, Kissinger đã có cơ hội được làm việc, tiếp xúc và trở thành bạn bè với rất nhiều nhà lãnh đạo. Nhờ vị thế có một không hai ấy, Kissinger có thể đưa ra những tổng kết đầy đủ về các nhà lãnh đạo trong bối cảnh lịch sử bấy giờ, và có thể đưa ra quan điểm riêng từ những trải nghiệm cá nhân.
Cuốn Lãnh đạo – 6 chiến lược gia kiệt xuất định hình thế giới ra đời từ những trải nghiệm ấy. Tác phẩm được hoàn thành và giới thiệu với bạn đọc vào năm 2022, khi Kissinger đã 99 tuổi, khi Chiến tranh lạnh đã kết thúc, kỷ nguyên toàn cầu hóa mở ra, vào lúc công nghệ đang từng ngày đổi thay đời sống nhân loại, khi chính các nhà lãnh đạo được đề cập trong sách đã ra đi.
Sáu nhà lãnh đạo trong cuốn sách này – Konrad Adenauer, Charles de Gaulle, Richard Nixon, Anwar Sadat, Lý Quang Diệu và Margaret Thatcher – đều được định hình bởi bối cảnh lịch sử đầy kịch tính của họ. Tất cả họ đều trở thành kiến trúc sư của công cuộc phát triển đất nước họ thời hậu chiến và cả trật tự quốc tế. Tác giả từng tiếp xúc cả sáu người vào thời kỳ mà tầm ảnh hưởng của họ đang ở đỉnh cao và đã sát cánh làm việc với Richard Nixon. Kế thừa một thế giới mà tính chắc chắn đã bị chiến tranh làm tiêu tan, họ tái xác lập các mục đích quốc gia, mở ra những chân trời mới và đóng góp cấu trúc mới cho thế giới đang trong quá trình chuyển dịch.
Mỗi người trong số sáu nhà lãnh đạo, theo cách riêng của mình, đã đi qua lò lửa của hai cuộc Chiến tranh Thế Giới – một chuỗi xung đột dữ dội kéo dài từ khi bắt đầu Thế chiến I vào tháng 8 năm 1914 đến khi kết thúc Thế chiến II vào tháng 9 năm 1945.
Những biến động đó đều để lại dấu ấn không thể xóa nhòa đối với cả sáu nhà lãnh đạo được mô tả trong cuốn sách này. Từng là thị trưởng Cologne giai đoạn 1917-1933, Konrad Adenauer (sinh năm 1876) từng bị Đức Quốc xã cầm tù hai lần. Bắt đầu từ năm 1949, Adenauer đã đưa nước Đức vượt qua thời điểm tăm tối nhất của lịch sử khi từ bỏ tham vọng thống trị châu Âu suốt hàng thập niên, gia nhập NATO và tái thiết đất nước.
Charles de Gaulle (sinh năm 1890) bị Đức bắt làm tù binh chiến tranh hai năm rưỡi trong Thế chiến I; trong Thế chiến II, ban đầu ông chỉ huy một trung đoàn xe tăng. Tiếp đó, sau sự sụp đổ của Pháp, ông đã hai lần tái thiết cấu trúc chính trị quốc gia: lần đầu tiên vào năm 1944 để khôi phục giá trị cốt lõi của Pháp, và lần thứ hai vào năm 1958 để hồi sinh linh hồn đất nước và ngăn chặn nội chiến. De Gaulle đã định hướng quá trình chuyển đổi lịch sử của Pháp từ một đế chế bại trận, bị chia cắt và kiệt quệ thành một quốc gia-dân tộc ổn định, thịnh vượng theo một hiến pháp hợp lý. Từ cơ sở đó, ông đã khôi phục cho nước Pháp vai trò quan trọng và bền vững trong quan hệ quốc tế.
Richard Nixon (sinh năm 1913), từ kinh nghiệm của mình trong Thế chiến II đã rút ra bài học rằng đất nước ông phải đóng vai trò cao hơn trong trật tự thế giới mới hình thành. Mặc dù là tổng thống Mỹ duy nhất từ chức, từ năm 1969 tới 1974, ông đã điều chỉnh những căng thẳng giữa các siêu cường khi Chiến tranh Lạnh leo thang và đưa Mỹ thoát khỏi cuộc xung đột ở Việt Nam. Trong quá trình này, ông đặt chính sách đối ngoại của Mỹ trên nền tảng toàn cầu mang tính xây dựng bằng cách mở cửa quan hệ với Trung Quốc, bắt đầu một quá trình hòà bình sẽ biến đổi Trung Đông và nhấn mạnh khái niệm về trật tự thế giới dựa trên trạng thái cân bằng.
Hai trong các nhà lãnh đạo được bàn tới trong cuốn sách này đã trải qua Thế chiến II với tư cách là dân thuộc địa. Anwar Sadat (sinh năm 1918) là sĩ quan quân đội Ai Cập. Từ lâu Sadat đã tạo dựng được hình ảnh nhờ ý tưởng mang tính cách mạng cùng niềm tin mãnh liệt về chủ nghĩa liên Ả Rập, và cái chết đột ngột của Gamal Abdel Nasser năm 1970 đẩy ông vào ghế tổng thống của một Ai Cập đang choáng váng và mất nhuệ khí khi chiến bại trước Israel năm 1967. Nhờ kết hợp khéo léo giữa chiến lược quân sự và ngoại giao, ông đã thành công lấy lại các vùng lãnh thổ bị mất cũng như lòng tự tin của Ai Cập, đồng thời đảm bảo hòa bình lâu dài vốn khó đạt được với Israel.
Lý Quang Diệu (sinh năm 1923) thoát chết trong gang tấc khi bị quân Nhật vây bắt năm 1942. Lý Quang Diệu đã định hình sự phát triển của một thành phố cảng nghèo nàn, đa sắc tộc ở rìa Thái Bình Dương, bao quanh là những hàng xóm thù địch. Dưới sự dẫn dắt của ông, Singapore nổi lên như một quốc gia an toàn, được quản lý tốt và thịnh vượng với bản sắc quốc gia chung là sự thống nhất trong bối cảnh đa dạng văn hóa.
Margaret Thatcher (sinh năm 1925) cùng gia đình quây quần quanh radio để nghe các chương trình thời chiến của Thủ tướng Winston Churchill trong cuộc Không chiến nước Anh. Năm 1979, Thatcher kế thừa một cựu đế quốc đang chìm trong không khí cam chịu vì mất đi ảnh hưởng toàn cầu và suy giảm vai trò quốc tế. Bà đã đổi mới đất nước của mình thông qua cải cách kinh tế và một chính sách đối ngoại cân bằng giữa táo bạo với thận trọng.
Kể từ khi Chiến tranh Thế giới lần thứ hai kết thúc, cả sáu nhà lãnh đạo đã đưa ra kết luận của riêng họ về những gì đã khiến thế giới lạc lối, cùng với đánh giá rõ ràng về vai trò không thể thiếu của năng lực lãnh đạo chính trị táo bạo và đầy khát vọng. Sử gia Andrew Roberts nhắc nhở chúng ta rằng, mặc dù hiểu biết phổ biến nhất về “lãnh đạo” bao hàm vẻ tốt đẹp vốn có, thì lãnh đạo “thực tế là hoàn toàn trung lập về mặt đạo đức, với khả năng dẫn dắt nhân loại đến vực thẳm cũng ngang bằng khả năng đến những đỉnh cao ngập nắng. Đó là lực lượng bất định mang quyền năng đáng sợ” mà chúng ta phải nỗ lực để định hướng họ tới những điểm đích có đạo đức.“