Trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta, văn hóa Việt Nam đã có những cuộc giao lưu, tiếp xúc và hội nhập lớn với văn hóa phương Đông, trước hết thông qua văn hóa Phật giáo Ấn Độ, văn hóa Trung Hoa, chủ yếu là văn hóa Hán; rồi đến văn hóa Pháp, Mỹ, Nga… Ngày nay, nhiệm vụ thường xuyên đặt ra đối với chúng ta là phải bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, phải phát huy vai trò của văn hóa với tính cách là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và động lực của sự phát triển; phải khai thông, phát huy và phát triển nguồn lực nội sinh của văn hóa để phục vụ cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Cuốn sách Trụ cột văn hóa: một góc nhìn của GS.TS. Nguyễn Trọng Chuẩn đi sâu phân tích vị trí, vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững dưới góc độ triết học, sức mạnh nội sinh của văn hóa và con người Việt Nam, các biểu hiện của văn hóa chính trị; chỉ rõ rằng chính trị dựa trên nền tảng văn hóa là cái gốc tạo nên sức mạnh của Đảng và của Nhà nước ta. Trong điều kiện thế giới hiện nay, cũng như từ thực tiễn đất nước ta, chính trị có văn hóa sẽ là động lực thúc đẩy việc xây dựng một xã hội ổn định, tự do, công bằng, bình đẳng, nhân văn, hạnh phúc và phát triển bền vững. Sức mạnh của chế độ, của chính quyền, của đảng chính trị cầm quyền chính là được tạo nên và dựa trên các cơ sở quan trọng này. Đồng thời, tác giả cũng chỉ rõ rằng, nền tảng văn hóa là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu cấu thành chất lượng của cán bộ lãnh đạo và quản lý cấp chiến lược; sự nêu gương, sự dẫn dắt của các cán bộ này góp phần khơi dậy và phát huy các giá trị văn hóa sẽ thúc đẩy việc thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc. Tác giả cũng dành một phần dung lượng của cuốn sách để bàn về sự gắn kết giữa văn hóa với chính trị và kinh tế; về văn hóa doanh nghiệp và văn hóa kinh doanh; về văn hóa tôn giáo trong đời sống và sự phát triển của xã hội.
Đánh giá khách hàng
There are no Đánh giá khách hàng yet.