WILLIAM BUTLER YEATS VỚI NHỮNG VẦN THƠ TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG GỬI TẶNG TỔNG THỐNG JOE BIDEN

Nguyễn Tuấn Bình

Trong cuộc thăm cấp nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai vị đứng đầu hai nước đã có đọc thơ Yeats và Nguyễn Du. Ông Trọng biết vị khách quý của mình là gốc người Ireland nên tại cuộc hội đàm cấp cao của hai bên chiều 10/9/2023 đã đọc tặng ông Biden hai câu thơ: “Think where man’s glory most begins and ends, /And say my glory was I had such friends.” Tôi tạm dịch:

Hãy ngẫm mà xem niềm vinh hạnh

Khời nguồn và kết thúc nơi đâu?

Với tôi, hưởng niềm vinh hạnh ấy:

Là nhờ những bè bạn này đây.

Đây là hai câu kết bài thơ “Municipal Gallery Revisited”  của William Butler Yeats.

Vậy Yeats là ai?

William Butler Yeats (đọc là “Yates”) sinh ngày 13/6/1865 tại Sandymount, Dublin, Ireland – mất ngày 28/1/1939 tại Roquebrune-Cap-Martin, Pháp. Ông là nhà thơ, nhà soạn kịch và nhà văn người Ireland, một trong những nhà thơ viết tiếng Anh vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Ông được trao tặng giải thưởng Nobel Văn học năm 1923.

Cha của Yeats, John Butler Yeats, là luật sư nhưng về sau trở thành họa sĩ chuyên vẽ chân dung. Mẹ của Yeats, Susan Pollexfen, là con gái một thương gia giàu có tại Sligo, phía tây Ireland. Năm 1867, khi Yeats mới hai tuổi, gia đình Yeats chuyển đến London, nhưng cậu đã dành phần lớn thời thơ ấu và những kỳ nghỉ ở Sligo với ông bà ngoại. Vùng quê này – phong cảnh, văn hóa dân gian và truyền thuyết siêu nhiên – sẽ tạo nên sắc màu và tạo dựng nên bối cảnh cho các sáng tác về sau của Yeats. Năm 1880, gia đình ông chuyển về Dublin, nơi ông theo học trung học. Năm 1883, ông theo học tại Trường Nghệ thuật Metropolitan ở Dublin, điều này giúp cho ông gặp gỡ nhiều nhà thơ và giới văn nghệ sỹ.

Cũng vào thời gian đó, Yeats bước chân vào nghiệp viết lách: tác phẩm trình làng đầu tiên của ông, hai bài thơ ngắn, xuất hiện trên tờ Dublin University Review năm 1885. Khi gia đình chuyển về London vào năm 1887, Yeats bắt đầu cuộc đời viết văn chuyên nghiệp. Yeats gia nhập Hội Thông Thiên Học, tổ chức thực hành hoạt động thần bí này thu hút ông bởi nó mang đến đời sống giàu trí tưởng tượng khác xa với đời sống thường ngày. Thời đại Khoa học không phù hợp với Yeats; ông là người có lối sống bay bổng, và nhất quyết bao bọc quanh mình bằng những hình ảnh nên thơ. Ông bắt đầu nghiên cứu những tác phẩm huyền học của William Blake, và công việc này đã đưa ông tiếp xúc với những trường phái hư ảo khác như trường phái Platon[1], Tân-Platon[2], Swedenborg và thuật giả kim.

Yeats lúc này đã là một chàng trai kiêu hãnh, và lòng kiêu hãnh đòi hỏi Yeats phải thể hiện bản thân mình qua khiếu thẩm mỹ và cảm nhận nghệ thuật của mình. Dẫu không phô trương ra bên ngoài, nhưng vẻ kiêu mạn của chàng trai vẫn tự nó bộc lộ trên phương diện tinh thần. Những bài thơ thủa ban đầu của ông, được tập hợp lại trong The Wanderings of Oisin, and Other Poems (tạm dịch: Những cuộc viễn du của Oisin và những bài thơ khác, 1889), là tác phẩm duy mỹ, chẳng những đẹp đẽ mà lúc nào cũng cho thấy nét thanh cao, tiếng thét gào của một tâm hồn muốn thoát khỏi đời sống tầm thường.

Yeats nhanh chóng tham gia vào đời sống văn học London. Chàng trở thành bạn của William Morris và W.E. Henley, và là người đồng sáng lập ra Rhymers’Club (Câu lạc bộ Người Yêu Thơ), với thành viên bao gồm những bè bạn như Lionel Johnson và Arthur Symons. Năm 1889 Yeats gặp Maud Gonne, người đàn bà Ireland xinh đẹp, nhiệt huyết và tài giỏi. Từ thời điểm đó, như lời Yeats viết, “rắc rối của cuộc đời tôi bắt đầu”. Yeats yêu cô, nhưng tình yêu của Yeats là vô vọng. Maud Gonne cảm mến và ngưỡng mộ Yeats, nhưng không yêu chàng. Tình yêu của cô dâng hiến cho Ireland; cô là một người Ireland yêu nước, một kẻ nổi loạn và một nhà hùng biện với khả năng ăn nói và sức hút cá nhân buộc người khác phải nghe theo. Khi dấn thân vào phong trào giải phóng dân tộc Ireland, Yeats hành động như vậy một phần bởi cõi lòng thôi thúc, nhưng phần lớn là vì tình yêu với Maud. Khi vở kịch Cathleen ni Houlihan (Cathleen, con gái Houlihan) của Yeats được trình diễn lần đầu tiên ở Dublin vào năm 1902, cô đóng vai chính. Hỉnh ảnh Maud Gonne xuất hiện nổi tiếng trong bài thơ When You Are Old (Khi Em Già Đi – Cao Hi dịch):

Khi tóc xanh của ngày xưa điểm bạc,

Khi giấc ngủ đè nặng lên tuổi tác,

Bên bếp lửa, em cầm cuốn sách này,

Chậm rãi đọc và mơ về thuở ấy

Thuở mắt em dịu dàng mà thẳm sâu.

Sau sự sụp đổ nhanh chóng và cái chết của nhà lãnh đạo gây nhiều tranh cãi người Ireland Charles Stewart Parnell vào năm 1891, Yeats cảm thấy đời sống chính trị Ireland mất đi vị thế của nó. Ông cảm thấy khoảng trống do chính trị để lại có thể được lấp đầy bằng văn học, nghệ thuật, thơ ca, kịch và truyền thuyết. Tập tiểu luận The Celtic Twilight (Ánh chạng vạng Celtic, 1893) là nỗ lực đầu tiên của Yeats hướng tới cái đích này, nhưng tiến trình này diễn ra rất chậm cho đến năm 1898, khi ông gặp Augusta Lady Gregory, người phụ nữ thuộc tầng lớp quý tộc sau này trở thành nhà soạn kịch và là bạn thân của ông. Bà khi đó đang sưu tầm những câu chuyện cổ, truyền thuyết dân gian về miền Tây Ireland. Yeats nhận thấy rằng truyền thuyết dân gian này phù hợp với cảm xúc của ông đối với các nghi lễ cổ xưa, đối với các niềm tin ngoại giáo vốn chưa bao giờ bị đức tin Cơ đốc làm cho mai một hoàn toàn. Ông cảm thấy rằng nếu đặt nó vào trong phong cách cao nhã và nghiêm ngặt, ông sẽ sáng tác nên những vần thơ đích thực, đồng thời trên phương diện cá nhân, nó sẽ tạo nên bản sắc riêng của ông. Từ năm 1898, Yeats dành mùa hè của mình tại dinh thự của Lady Gregory ở Coole Park, County Galway, và cuối cùng ông tậu toà lâu đài theo phong cách Norman đổ nát tên là Thoor Ballylee trong vùng đó. Dưới cái tên Toà Tháp, công trình kiến trúc này sẽ trở thành biểu tượng nổi bật trong nhiều bài thơ về sau và là hay nhất của ông.

Năm 1899, Yeats ngỏ lời cầu hôn Maud Gonne nhưng bị khước từ. Bốn năm sau, cô kết hôn với Thiếu tá John MacBride, một chiến binh người Ireland, con người chia xẻ với cô những cảm xúc về Ireland và lòng căm thù sự áp bức của người Anh: MacBride là một trong những thành viên nhóm nổi dậy bị chính phủ Anh xử tử sau Cuộc Nổi dậy Lễ Phục sinh năm 1916. Trong khi đó, Yeats cống hiến hết mình cho văn học và kịch nghệ với niềm tin rằng thơ và kịch sẽ tạo ra khối đại đoàn kết có khả năng làm biến chuyển dân tộc Ireland. Ông (cùng với Lady Gregory và những người khác) là một trong những người sáng lập Nhà hát Văn học Ireland, trình diễn lần đầu tiên tại Dublin vào năm 1899 với vở kịch The Countess Cathleen (Bá tước phu nhân Cathleen) của Yeats. Cho đến cuối đời, Yeats vẫn đảm nhiệm chức giám đốc Nhà hát này, kể cả khi nó trở thành Nhà hát Abbey vào năm 1904. Trong giai đoạn quan trọng từ 1899 đến 1907, ông điều hành hoạt động của nhà hát, khuyến khích các nhà soạn kịch (đặc biệt là John Millington Synge), và tự mình góp sức bằng nhiều vở kịch do chính mình sáng tác. Một vài vở kịch của ông về sau trở thành một phần thương hiệu gắn liền với Nhà hát Abbey như The Land of Heart’s Desire (Xứ Sở dành cho Con tim Ước vọng,1894), Cathleen ni Houlihan (1902), The Hour Glass (Đồng hồ cát, 1903), The King’s Threshold (Ngưỡng Cửa Đức Vua, 1904), On Baile’s Strand (Bên Bờ Baile,1905), và Deirdre (1907).

Yeats đã xuất bản một số tập thơ trong giai đoạn này, đặc biệt là Poems (Những vần thơ, 1895) và The Wind Among the Reeds (Gió qua bãi Sậy, 1899), tiêu biểu cho phong cách thơ thời kỳ đầu của ông tràn ngập bầu không khí mộng mơ cũng như việc sử dụng yếu tố dân gian và truyền thuyết Ireland. Nhưng trong các tuyển tập In the Seven Woods (Trong Bảy khu Rừng, 1903) và The Green Helmet (tạm dịch: Mũ trụ Xanh, 1910), Yeats dần dần loại bỏ màu sắc và nhịp điệu phong cách trào lưu Tiền Raphael xuất hiện trong phong cách thơ ban đầu của mình và loại bỏ nó ra khỏi một số ảnh hưởng Celtic và bí truyền. Quãng những năm từ 1909 đến 1914 đánh dấu bước chuyển biến mang tính quyết định trong thơ ca của ông. Bầu không khí ngây ngất, thoát tục trong những bài thơ trữ tình thủa ban đầu không còn nữa, và những bài thơ trong Responsibilities: Poems and a Play (Điều Gánh vác: Thơ và kịch, 1914) cho thấy sự chặt chẽ và cứng rắn trong phong cách thơ của ông, một hình ảnh đanh thép và gồ ghề hơn, cũng như phong thái bộc trực mới mẻ mà Yeats chọn để đương đầu với thực tế và những điều bất toàn của nó.

Năm 1917 Yeats xuất bản The Wild Swans at Coole (Bầy thiên nga Coole hoang dã). Kể từ đó trở đi, ông đã đạt đến đỉnh cao trong sự nghiệp và còn mãi duy trì thành tựu đó – với nguồn thi hứng đổi mới và vẻ hoàn thiện về kỹ thuật gần như không có gì sánh bằng trong lịch sử thơ ca Anh. The Tower (Toà Tháp, 1928), đặt tên theo toà lâu đài mà ông sở hữu và khôi phục, là tác phẩm đạt tới độ chín trọn vẹn của người nghệ sỹ; trong đó, sự từng tải được đưa vào để mang tới độ hoàn hảo cho sáng tác. Tuy nhiên, những vần thơ hay nhất của Yeats còn được viết sau đó, xuất hiện trong The Winding Stair (tạm dịch: Cầu thang khúc khuỷu, 1929). Các bài thơ trong cả hai tác phẩm này đều lấy đề tài và biểu tượng chủ đạo là Cuộc nổi dậy Lễ Phục sinh và cuộc nội chiến Ireland; Toà Tháp của riêng Yeats; Đế quốc Byzantine và những bức tranh khảm; Plato, Plotinus và Porphyry; và mối quan tâm của tác giả đối với tâm lý học đương đại. Yeats diễn giải triết lý của mình trong tác phẩm văn xuôi A Vision (tạm dịch: Một Bóng hình, 1925, phiên bản sửa đổi 1937); mặc cho những điều mơ hồ bên trong nó, những dòng suy ngẫm về mối tương quan giữa trí tưởng tượng, lịch sử và điều huyền bí này vẫn là tài liệu không thể thiếu đối với những người quan tâm nghiên đến Yeats.

Năm 1913, Yeats dành vài tháng tại Stone Cottage, Sussex, với người thư ký Ezra Pound, một nhà thơ người Mỹ. Khi đó Pound đang biên tập bản dịch các vở kịch Nō của Nhật Bản, và Yeats rất phấn khích với chúng. Kịch Nō cung cấp một khuôn mẫu kịch nghệ dành cho lượng nhỏ khán giả thưởng thức, phong cách kịch gần gũi, cách điệu hoá đã tận dụng được hết khả năng biểu đạt của những lớp mặt nạ, kịch câm, khiêu vũ, bài hát và trái ngược với nhà hát đông người, nó có thể truyền tải chính cái phong cách tượng trưng huyền ảo trong Yeats. Yeats đã để ại những vở kịch mà ông coi là tương đương với kịch Nō như Four Plays for Dancers (Bốn vở Kịch cho Vũ Công, 1921), At the Hawk’s Well (Bên Giếng Diều Hâu, trình diễn lần đầu năm 1916) và một số vở khác.

​Năm 1917, Yeats hỏi cưới Iseult Gonne, con gái của Maud Gonne. Cô từ chối. Vài tuần sau, ông cầu hôn với George Hyde-Lees và được chấp nhận; họ kết hôn vào năm 1917. Bọn họ có một người con gái, Anne Butler Yeats, sinh năm 1919, và người con trai, William Michael Yeats, sinh năm 1921.

Năm 1922, Nhà nước Tự do Ireland được thành lập, Yeats nhận lời mời trở thành thành viên Thượng viện Ireland mới: ông đã phục vụ trong sáu năm. Năm 1923 ông được trao giải Nobel Văn học. Giờ đây khi đã là thành danh, không ai có thể phủ nhận vị thế là một trong những nhà thơ hiện đại lỗi lạc hàng đầu trên văn đàn của ông. Năm 1936, tập Oxford Book of Modern Verse, 1892-1935 (Tuyển tập Thơ Hiện đại của Oxford) của ông, tập hợp những bài thơ ông yêu thích, được xuất bản. Vẫn tiếp tục miệt mài với những vở kịch sau cuối của mình, ông hoàn thành The Herne’s Egg (Quả trứng của Herne), tác phẩm gai góc nhất của ông, vào năm 1938. Hai tuyển tập thơ cuối cùng của Yeats, New Poems (tạm dịch: Những bài thơ mới) và Last Poems and Two Plays (tạm dịch: Những bài thơ cuối cùng và Hai vở kịch), lần lượt xuất hiện vào năm 1938 và 1939. Trong những tác phẩm này, nhiều chủ đề trước đây của ông được tập hợp và chỉnh sửa lại với kỹ thuật viết thượng thừa; nhà thơ lớn tuổi đã sử dụng nhịp điệu ballad và cấu trúc đối thoại với nguồn năng lượng không hề suy giảm khi ông sắp bước sang tuổi 75.

Yeats qua đời vào tháng 1 năm 1939 khi đang ở nước ngoài. Việc chôn cất ông tại Ireland không thu xếp được nên ông được chôn cất tại Roquebrune, Pháp. Ý định đưa thi thể của ông về Sligo cũng không thành khi Đệ Nhị Thế chiến bắt đầu vào mùa thu năm 1939. Năm 1948, thi thể của ông cuối cùng được đưa về Sligo và được chôn cất trong một nghĩa trang nhỏ dành cho người Tin lành tại Drumcliffe, như ông đã chỉ rõ trên trong “Under Ben Bulben” trong Last Poems, đề trên văn bia của chính ông: “Cast a cold eye/On life, on death./ Horseman, pass by!”. Mà tôi tạm dịch thơ:

Ánh mắt lạnh lùng, liếc nhìn xa,

Ngẫm về cuộc đời về sinh tử.

Hỡi người kỵ sĩ, hãy băng qua!”

Nếu Yeats ngừng viết ở tuổi 40, có lẽ giờ đây ông sẽ được nhìn nhận như một nhà thơ tầm thường đi theo trường phái Tiền Raphael đang lụi tàn, vốn có lúc đã tạo nên vẻ đẹp và sự rung cảm tươi mới từ thời kỳ phục hưng Celtic. Chưa bao giờ trong lịch sử văn chương có hiện tượng một nhà thơ sáng tác ra những kiệt tác của đời mình trong độ tuổi từ 50 đến 75. Tác phẩm của Yeats trong thời kỳ này có được nguồn sức mạnh từ quá trình rèn giũa thi ca lâu dài và tận tuỵ của ông; từ những thử nghiệm của ông trong nhiều thể loại thơ, kịch và văn xuôi; và từ đời sống tâm linh từng trải cũng như quá trình bồi đắp tri thức theo năm tháng, những điều được ông kết hợp để tạo nên khuôn mẫu cho thế giới thần thoại của riêng mình.

Thế giới thần thoại của Yeats, cội nguồn nảy sinh ra những hình tượng tượng trưng đầy tinh tuý trong giai đoạn vàng son của đời ông, không phải lúc nào cũng dễ hiểu và Yeats cũng không có ý định làm rõ ý nghĩa trọn vẹn của nó đối với những người chưa biết đến tư tưởng và phong cách truyền thống ông tạo ra. Ông lập lại và hội tụ các hình ảnh, để chúng được nhấn mạnh thêm và được làm phong phú thêm; và dấu ấn việc ông ngày càng làm giàu thêm các hình tượng có thể được lần tìm xuyên suốt trong các tác phẩm của ông. Trong số những hình tượng chủ đạo của Yeats có Leda và Swan; Helen và thành Troy rực cháy; Toà Tháp dưới nhiều khuôn dạng; mặt trời và mặt trăng; ngôi nhà thiêu rụi; hang hốc, cây gai và giếng sâu; đại bàng, diệc, hải âu và diều hâu; kẻ mù, người què và đám ăn xin; kỳ lân và phượng hoàng; ngựa, chó săn và lợn rừng. Những hình ảnh truyền thống này liên tục được xác nhận ý nghĩa thông qua mối liên kết giữa chúng với trải nghiệm cá nhân Yeats, và chính điều này đã mang lại cho chúng tính chất cực kỳ đặc biệt. Trong thơ của Yeats, chúng thường được định hình thông qua lời thơ hùng hồn và kiêu hãnh cũng như trong nhịp điệu thơ bậc thầy của ông. Tất cả đều được ghi dấu nhờ hai tính chất đặc trưng mà Yeats đề cao và ông vẫn gìn giữ cho tới tuổi xế chiều—cảm xúc đam mê và niềm vui thú.

***

Ở Việt Nam, William Butler Yeats có lẽ chưa phải là cái tên quen thuộc. Kể từ năm 1923, khi ông được trao giải Nobel Văn học, cho đến nay đã tròn một thế kỷ, nhưng chưa có tập thơ trọn vẹn nào của Yeats được dịch và phổ biến ở nước ta. Khi thực hiện tuyển tập thơ lần này, những người làm sách mong muốn có thể truyền tải đến độc giả Việt Nam thế giới thi ca kỳ diệu, bí huyền, lộng lẫy và đầy nghịch lý của Yeats.

Tuyển tập thơ William Butler Yeats lần đầu ra mắt bạn đọc với bản dịch của dịch giả Cao Hi và minh họa của họa sĩ Triệu Yến Vy.

QUY CÁCH ẤN BẢN:

– Sách được phát hành với quy các ấn bản giới hạn. 1200 bản đánh số nhảy từ WBY 0001 đến WBY 1200, mỗi bản là duy nhất.

– Bìa sách là bìa cứng với chất liệu bọc bìa là Heritage Library Buckram được nhập từ hãng Ratchford, Anh Quốc.

– In 2 màu bằng công nghệ mực vi sinh trên giấy GV76-BB 100 gsm.

– Sách được mạ cạnh bằng nhũ vàng và in dấu Limited Edition của Đông A.

[1] Còn gọi là Chủ nghĩa platon, đề cập đến triết lý khẳng định sự tồn tại của các đối tượng trừu tượng, được khẳng định là “tồn tại” trong một “thế giới thứ ba” khác biệt với thế giới bên ngoài hợp lý và từ thế giới bên trong ý thức, và ngược lại với chủ nghĩa danh nghĩa.

[2] Tân-Platon là một tập hợp các học thuyết và trường phái lấy cảm hứng từ chủ nghĩa Platon, được mô tả là “huyền bí” trong tự nhiên và dựa trên một nguyên tắc tâm linh mà thế giới vật chất bắt nguồn. Từ quan điểm lịch sử, Neoplatonic là học thuyết bắt đầu vào khoảng năm 200, với Plotinus là đại diện chính; và kết thúc vào năm 529, năm đóng cửa Học viện Platonic của Hoàng đế Justinian.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *