Nguyễn Tuấn Bình
Tiến sĩ, Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng khóa IX, khóa X, Thứ trưởng Bộ Công an. Tháng 7 năm 2019, ông sáng lập Thư viện tư nhân Nguyễn Văn Hưởng với mục đích chia sẻ rộng rãi những thông tin, tư liệu giá trị về lịch sử, văn hóa, xã hội Việt Nam. Hiện nay, ông trực tiếp điều hành Thư viện Nguyễn Văn Hưởng, đồng thời là Tổng Biên tập Tạp chí Phương Đông.
Ông cùng với Thạc sĩ Công pháp Quốc Tế Nguyễn Thế Tuấn vừa cho ra mắt cuốn sách “Thế giới đang thay đổi: Trật tự đa cực xuất hiện”. Đây là hai chuyên gia mà trong hàng chục năm qua đã tập trung nghiên cứu những vấn đề chính trị, xã hội và an ninh của thế giới. Bằng sự nghiên cứu một cách khoa học, bằng sự chứng thực những biến động, thay đổi của thế giới và bằng cảm quan chính trị nhạy bén và sâu sắc, hai tác giả đã viết cuốn sách này về thế giới tập trung vào giai đoạn tính từ sau Thế chiến II đến nay.
Vùng tranh chấp mới về Địa chính trị tại Bắc Cực
Đây là trong những điểm nóng được đặt ra. Sự biến đổi khí hậu làm tan băng ở Bắc Cực đã mở ra một thủy lộ ở cực bắc Nga. Thủy lộ mang tên Northern Sea Route (NSR) bắt đầu từ cảng Murmansk trên bán đảo Kola ở tây bắc Nga, kéo dài tới eo biển Bering nằm giữa bán đảo Chukotka của Nga và tiểu bang Alaska của Mỹ (Mỹ mua lại của Nga).Trong Thế chiến II, Nga cũng đã dùng thủy lộ này nhưng chỉ trong mùa hè và phải có tàu phá băng đi mở đường. Khi băng tan nhanh, không cần tàu phá băng.
Nga rất quan tâm đầu tư vào thủy lộ này. Đối với Nga, con đường này không chỉ thuận lợi về giao thông, nếu sang châu Á qua kênh Suez phải mất 48 ngày thì qua thủy lộ NSR chỉ mất có 19 ngày, mà còn liên quan đến an ninh lãnh thổ, vấn đề “sống còn” của Nga. Nếu băng tiếp tục tan, toàn bộ biên giới bắc của Nga phơi bày ra một cách nguy hiểm, đặc biệt là Mỹ từ Alaska có thể xâm nhập thủy lộ NSR. Do đó bằng mọi giá Nga sẽ phải bảo vệ thủy lộ này.
Không phải chỉ một mình nước Nga tiếp cận với Bắc Cực mà còn có nhiều nước khác, bao gồm Mỹ, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Canada. Ngoài 8 quốc gia có lãnh thổ thuộc Bắc Cực, 13 quốc gia quan sát viên cũng quan tâm đến “con đường tơ lụa” mới, trong đó quốc gia lên tiếng mạnh mẽ về Bắc Cực nhất là Trung Quốc. Họ cho rằng các thiên tai mà Trung Quốc chịu đựng đều có liên hệ đến sự biến đổi khí hậu ở Bắc Cực. Biến đổi khí hậu có hậu quả toàn cầu, khi băng tan nước biển dâng lên, nước Việt Nam ta tuy ở xa Bắc Cực nhưng vẫn phải chịu hậu quả.
Do tầm quan trọng về tài nguyên, chiến lược, an ninh của nhiều quốc gia và liên quan mật thiết tới biến đổi khí hậu, nên Bắc Cực là vùng tranh chấp rất quan trọng của thế giới đa cực. Tuy tình hình Bắc Cực hiện nay vẫn yên tĩnh, không sôi nổi như Trung Đông, Trung Á, Bắc Phi, Đông Âu, nhưng đằng sau sự trầm lắng đó là quả bom nổ chậm rất lớn.
Bắc Cực có thể xem là vùng tranh chấp địa chính trị quan trọng nhất thời hiện đại. Muốn làm chủ phần thêm lục địa của mình thì phải chứng minh phần thềm lục địa đó là phần trải dài của lãnh thổ nước mình ra biển khơi. Phần thềm lục địa còn lại là tài sản chung của nhân loại do Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa Liên hợp quốc quản lý.
Nguyên tắc là một chuyện, việc quản lý để khỏi tranh chấp là chuyện khác. Ví dụ, Nga, Đan Mạch và Canada đều tuyên bố có quyền kiểm soát dãy núi ngầm dưới mặt nước có tên Lomonosov Ridge. Canada tuyên bố chủ quyền bằng cách cấp hộ chiếu cho ông già Noel, còn Nga thì cắm cờ bằng chất titan dưới đáy biển để xác nhận chủ quyền (2007).
Trên “con đường tơ lụa địa cực”, tức là tuyến đường Murmansk – Bering nối Tây Âu với Tây Thái Bình Dương và xuống Đông Á, có hai thực thể rất đặc biệt là đảo Greenland và Alaska. Mỹ muốn mua đứt Greenland nơi Mỹ có căn cứ quân sự Thule trang bị đầy đủ để phòng thủ Bắc Mỹ từ xa. Hiện nay, Trung Quốc kéo “con đường tơ lụa” vào Greenland và Iceland bằng cách đầu tư nhiều dự án, gây ra cuộc tranh giành ảnh hưởng quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ cũng xem Alaska là căn cứ quan trọng của chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương vì tiểu bang này án ngữ ngay phía Tây Bắc Mỹ và Bắc Thái Bình Dương.
Tháng 3/1867 dưới thời Alexander II, Nga đã bán lánh địa hải ngoại Alaska cho Mỹ với giá 7,2 triệu USD. Năm 2017, dân Nga yêu cầu Tổng thống Trump trả Alaska cho Nga. Dưới nhiệm kỳ Tổng thống Obama, 35 nghìn dân Alaska đã kiến nghị việc Chính phủ Mỹ xem xét trưng cầu dân ý trả Alaska cho Nga (chừng nào kiến nghị có 100.000 chữ ký, chính phủ sẽ phải thực hiện trưng cầu dân ý).
Trung Quốc không phải là quốc gia vùng Bắc Cực nhưng tuyên bố rằng các thiên tai mà Trung Quốc phải chịu đựng đều liên quan đến sự tan băng ở Bắc Cực do hậu quả của biến đổi khí hậu. Trung Quốc cũng muốn làm phép thử để tham gia các nghiên cứu khoa học và lãnh đạo khoa học kỹ thuật. Trung Quốc là quan sát viên trong Hội đồng Bắc Cực – hội đồng này thành lập năm 1996 để ra các quyết định trong việc xử lý băng tan tại Bắc Cực. Năm 2018, Trung Quốc ra Sách Trắng nói về những mục tiêu của mình tại Bắc Cực.
Hàng hóa đi về Trung Quốc sẽ được bốc dỡ ở các cảng Đông Bắc Trung Quốc, thuận tiện hơn những đường ống và đường sắt vùng tây nam Trung Quốc, từ Ấn Độ Dương vào vịnh Bengal. Con đường chuyển hàng hóa từ cảng Peshawar ở Pakistan về Tân Cương vừa xa xôi, tốn kém, vừa bất an, bị đe dọa phá hoại. Vì những lợi ích giao thông vận tải đó, Trung Quốc cố gắng xen vào Hội đồng Bắc Cực với danh nghĩa không “thuận” chút nào: “cường quốc gần Bắc Cực”. Sự hợp tác chặt chẽ với Nga về “con đường tơ lụa địa cực” là hoàn toàn hợp logic, cho dù họ có nhiều mâu thuẫn trên các mặt khác.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: “Hai tác giả viết cuốn sách này thực sự là hai “kiến trúc sư” phác thảo bản vẽ “ngôi nhà thế giới” kể từ sau Thế chiến II và dự báo một thế giới trong tương lai. Đây không phải là một cuốn sách lịch sử, chính trị hay xã hội mà nó vượt qua những giới hạn của những thuật ngữ đó. Trong cách nhìn của tôi, đó là một “bộ hồ sơ về tương lai thế giới”. Đấy là điều lớn nhất, vô cùng quan trọng và cần thiết mà cuốn sách mang tới cho người đọc từ các chính trị gia cho tới những nhà hoạch định chiến lược văn hóa, kinh tế, giáo dục và tôn giáo và cho cả những con người bình thường đang sống trong thế giới này.”