Nguyễn Tuấn Bình
Dù là người Việt – chắc chắn rất nhiều từ cửa miệng trong ăn nói hàng ngày – ta không biết tại sao mình nói thế: trẻ trâu, ảo tung chảo, lùa gà, bom hàng…và nếu có thế cũng rất ít người đủ kiên nhẫn tìm hiểu để truy nguyên cho ta gốc gác câu từ.
Bác Lê Minh Quốc là một trong số ít người chịu giải thích cho ta những từ rất mới đó. Tôi để ý thấy bác nhiều năm quan tâm tới tiếng Việt với lời tâm niệm: “Một khi sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp, hay ở bất cứ loại hình nghệ thuật gì, tôi nghĩ, chúng ta phải phấn đấu đạt đến tầm “rất Việt”: của người Việt, dành cho người Việt, vì người Việt. Khi đi đến sự tận cùng của bản sắc Việt, tinh hoa Việt thì mới có thể hòa nhập vào trong dòng chảy văn hóa của nhân loại. Vì lẽ đó, hơn bao giờ hết, một khi chúng ta cùng tìm về “linh hồn tiếng Việt” thì bao giờ tính thời sự này cũng bất biến theo năm tháng.”
Sau Lắt léo tiếng Việt (2017), bộ ba Văn hoá Việt nhìn từ Tiếng Việt (2021), hôm nay Lê Minh Quốc lại cho ra mắt Tiếng Việt Lắt léo và lịch lãm nhằm giúp ta gỡ rối chút bòng bong trong việc sử dụng tiếng Việt ở ta.
Này nhé, xiếc ở đâu mà ra? Lê Minh Quốc đưa ra dẫn dụ đạo diễn Việt Linh làm bộ phim Gánh xiếc rong. Còn nhà văn Mạc Can khi viết Tấm ván phóng dao, lại dùng từ xiệc, thí dụ: “Em nhớ rõ nhứt là khi cha rã gánh xiệc rong, ông lại về ở trong một khu nghĩa địa”. Xiếc/xiệc cùng nghĩa nhau là vay mượn từ cirque tiếng Pháp.
Hay những kiểu đọc trại mà ta không ngờ đến. Ta thử quan sát mấu đối thoại trong quyền Sài Gòn tạp pín lù (1992) của học giả Vương Hồng Sển: “Nầy thầy Sáu! Hãy để đó, chạy tới bót ông Cò, kêu lính lại đây tức thì, coi con mẹ nầy còn diếm cứng đầu cứng cổ hay không?”.
Ta cứ tưởng từ diếm ở đây xuất phát từ “giấu diếm” mà ra, nhưng không phải. Thật ra, diếm ở đây là nói trại của dám. Ơ hay, cơn cớ gì phải thế? Từ đó có quái gì mà không nói toẹt ra, có “phạm húy” tên ông hoàng, bà chúa nào mà phải né phải tránh? Mà đã thế ắt phải có lý do chính đáng gì đây. Ta hãy đọc ở một đoạn khác sẽ thấy câu trả lời: “Thầy cười nói tiếp: ‘Thưa cô, vì cô không dám phạm húy chữ ‘dám’ trùng âm với ‘giám’, thái ‘giám’ đụng chạm đến cái tiểu tật của ngài Tả quan Lê” (tr.37). Chi tiết này góp phần cho ta hiểu hơn nữa rõ một đoạn ngắn trong chính sử: cho thấy người dân miền Nam tôn kính vị Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt tới nhường nào.
Để làm công việc gần như “thám tử” đó, tôi phục nhất ở bác là đã đưa ra các ví dụ từ sách xưa mà tôi chả hiểu sao bác lần tìm ra được, nó đâu đơn giản như tôi tìm kiếm trên web đâu! Vậy nên tôi đoán chừng kho sách xưa của bác sưu tầm cũng nhiều và sức đọc cũng đáng nể – thế nên mới tích cóp được cả chùm trích dẫn đắt giá mà chẳng mấy ai biết.
Lê Minh Quốc dẫn dắt ta tìm hiểu một từ thật khó: trô. Thú thật với bạn, tôi của thế kỷ XXI là chịu, không hiểu nghĩa. Tác giả đưa ta về phóng sự Lục xì, Vũ Trọng Phụng cũng viết: “Nếu thế thì ít ra cũng phải ‘trô’ vậy, chứ không thì chán bỏ bố!“. Vậy, trô trong ngữ cảnh này là gì? Trước hết cần khẳng định, đây không phải là từ vay mươn mà chính là tiếng lóng của dân hút xách nghiện ngập. Trô là tiêm / hút/ hút thuốc phiện.
Như ta đã biết, tiếng lóng là các từ có tính quy ước chung do một số người “cùng hội cùng thuyền” sử dụng, trao đổi với nhau mà người ngoài nếu có nghe cũng không hiểu rõ, và, bản thân tiếng lóng thay đổi theo thời gian, có thể mất đi hoặc cũng ám chỉ sự vật/ sự việc đó nhưng mỗi thời sử dụng từ mỗi phách. Do đó, khó có thể truy nguồn gốc ra đời của nó là do đâu, từ đâu? Riêng với từ trô lại khác. Trong tác phẩm Ngọn đèn dầu lạc, nhà văn Nguyễn Tuân cho biết từ này được sử dụng từ năm 1925 với vai trò của chú Trô – tên thật Phùng Văn Trô – “tị tổ của nghề bán đầu tiêm ở Hà Nội”.
Lúc chú Trô mất, ngày 2.5.1939, Nguyễn Tuân có đi đưa ma,”là tôi đã ngồi xổm lên luân lý của mọi người” vì tự tố cáo mình cũng là dân làng bẹp. Nhưng rồi, ông cũng đi đưa ma vì “tính tò mò của nghề nghiệp” – nghề viết báo; hơn cả thế, Nguyễn Tuân bào chữa, còn vì: “Tên người chết kia đã biến thành một động từ rồi. Đã bao nhiều lần chúng ta nói với nhau: ‘Đi trô đi – trô nhiều quá – trô chưa đủ… Chính chú Khách già vừa nằm xuống kia đã đem sung công tên tuổi vào ngôn ngữ xứ này” (1941,NXB Mai Lĩnh, tr.10).
Có lẽ đây là một trường hợp hiếm hoi mà chúng ta có thể lý giải chính xác về sự ra đời của một tiếng lóng, cụ thể là trô.
Tiếng Việt ta thú vị thay, bởi nó đã sống qua thời đại tạo ra nó. Tìm hiểu về nó là tìm hiểu về văn hoá một thời. Thôi thì ai yêu tiếng Việt thì xin ngân nga vần thơ đầu tai sách của Lê Minh Quốc:
Tiếng Việt mãi còn
Lời ru thong thả
Tục ngữ, ca dao
Như ngô, khoai, sắn
Như lúa như tre…
Suối nguồn vô tận
Như nắng như mưa
Tượng hình sức sống
Ngàn đời nuôi nấng
Linh hồn Việt Nam.
– Lê Minh Quốc