Nguyễn Tuấn Bình
Hầu hết các xã hội cổ đại đều gìn giữ được sách chép tay làm từ giấy hoặc da trong nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, các dân tộc châu Mỹ không có được sự may mắn như vậy: sách vở của họ gần như bị thất tán trong quá trình thuộc địa hóa của người châu Âu từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX. Mặc dù vậy, trong vài thập kỷ qua, người ta đã nỗ lực khôi phục, tái ghi chép nhằm đánh giá lại nền tri thức châu Mỹ bị lãng quên này, đồng thời đưa chúng trở lại vị trí thích đáng trong dòng chảy lịch sử sách toàn cầu.
Hệ thống ghi chép bằng nút thắt ở dãy Andes
Người ta đã cư trú trên dãy Andes dọc bờ biển phía Tây của Nam Mỹ ít nhất cách đây 15.000 năm. Đế chế Inca hùng mạnh cai trị vùng đất này vào giữa thế kỷ XV. Để quản lý con người và tài sản, nhà nước Inca đã tạo ra một hệ thống ghi chép phức tạp bằng nút thắt dây thừng, được gọi là khipu tại Quechua. Khoảng 600 hiện vật tồn tại cho đến ngày nay với niên đại từ năm 1400 – 1530 sau Công nguyên. Ngoài ra, còn có một số mô tả bằng hình ảnh lẫn chữ viết về cách sử dụng các nút thắt khipu sau cuộc chinh phục của người Tây Ban Nha năm 1532, nhưng dù đã hiểu rõ được nguyên tắc cấu tạo và hoạt động của chúng thì cũng không ai có thể đọc được trọn vẹn một khipu như những người ghi chép sổ sách Inca.
Hệ thống khipu của người Inca có thể có nguồn gốc từ thế kỷ VII hoặc VIII sau Công nguyên, dưới dạng những sợi chỉ màu quấn quanh cây gậy nghi lễ, và sau đó chuyển sang dạng khipu nguyên thủy không có nút thắt. Nhiều tài liệu sau cuộc chinh phục của người Tây Ban Nha mô tả người đưa tin mang thư dưới dạng khipu; và trong vài thập kỷ, khipu được chấp nhận là bằng chứng hợp lệ tại các tòa án nói tiếng Tây Ban Nha. Về sau công cụ cai trị thuộc địa nhanh chóng được chuyển đổi sang tài liệu giấy và khipu chính thức không còn được sử dụng vào giữa thế kỷ XVI. Dẫu vậy thì những người chăn nuôi gia súc trong một số cộng đồng Quechua và Aymara trên dãy Andes của Bolivia vẫn sử dụng khipu để ghi chép về đàn gia súc của họ cho đến tận thế kỷ XX.
Sách bằng da sống và vỏ cây tại Trung Mỹ cổ đại
Chỉ chưa đầy 20 cuốn sách của người Trung Mỹ cổ đại còn tồn tại đến ngày nay, tất cả đều có niên đại từ thế kỷ XIV đến XVI. Cụ thể chỉ còn năm hoặc sáu cuốn sách chép tay được gọi là Codex Cospi, được viết vào khoảng giữa năm 1350 và 1520, có thể là ở miền Trung Mexico. Nó được làm từ năm tấm da hươu khâu lại với nhau thành một dải dài 3,64m, sau đó được gấp lại thành 20 trang kích thước 18x18cm. Một cuốn sách chép tay cổ khác có tên là Madrid Codex – cũng là một trong bốn cuốn sách Maya duy nhất hiện nay mà chúng ta biết – ra đời vào cuối thế kỷ 15, có lẽ là ở Yucatan. Người ta tạo ra nó từ dải vỏ cây sung, dài 6,8m, cao 23cm, và được gấp lại thành các trang rộng 12cm theo kiểu zigzag.
Ban đầu, những người thôn tính đến từ châu Âu thế kỷ 16 xem sách cổ chép tay với vẻ tò mò thú vị, nhưng khi các chiến dịch cải đạo theo Cơ Đốc giáo đạt được thành quả thì họ ngày càng coi chúng chỉ như tài liệu cổ suý dị giáo. Một lượng lớn sách chép tay cổ đã bị hủy hoại trong nhiều thập kỷ sau các cuộc chinh phục. Nhiều cộng đồng địa phương đã cố gắng chống lại việc này: những thầy tế người Maya tiếp tục thực hiện các nghi lễ thanh tẩy cho các cuốn sách tiên tri linh thiêng của họ và nhận điềm báo từ chúng, cho đến tận năm 1566. Điều trớ trêu là một số ít sách còn sót lại của vùng Trung Mỹ thời tiền Tây Ban Nha đều nằm trong các bộ sưu tập ở châu Âu, nơi chúng phần lớn bị lãng quên cho đến khi được tái khám phá vào thế kỷ XIX.
Tấm da Lịch đếm Mùa đông của đồng bằng Bắc Mỹ
Ít nhất từ thế kỷ XVII, và có lẽ từ hàng trăm năm trước đó, người Lakota ở vùng đồng bằng Bắc Mỹ đã lưu giữ những biên niên sử cộng đồng dưới dạng thức được gọi là “Lịch đếm Mùa đông”. Từ giữa thế kỷ XVII, những người nông dân bản địa bên bờ Missouri của Hồ Superiorl đã bắt đầu di cư về phía Tây, tới sông Mississippi để săn trâu rừng và tránh xung đột với các bộ lạc Sioux cũng như người di cư từ châu Âu đến. Mỗi nhóm đại gia đình gồm từ 150 đến 300 người ấy sẽ giao phó cho một người đàn ông nhiệm vụ ghi nhớ lịch sử của cộng đồng và kể lại lịch sử đó trong những dịp lễ hội. Cứ mỗi mùa đông, con người đó đều đến tham khảo ý kiến của những người lớn tuổi trong cộng đồng để quyết định chọn một hình ảnh tượng trưng cho một sự kiện quan trọng của năm trước, sau đó sẽ bổ sung nó vào danh sách nghi lễ – hay còn gọi là waniyetu wowapi, nghĩa là “bản ghi chép mùa đông”.
Hồ sơ lịch sử quan trọng được cất giữ trong trí nhớ của người lưu giữ, nhưng cũng có thể được sao chép ra theo yêu cầu, đi kèm với lời giải thích truyền miệng. Theo truyền thống, các Lịch đếm Mùa đông được vẽ trên da hươu, bò hoặc trâu với các sự kiện lâu nhất ở trung tâm, xoắn ốc ngược chiều kim đồng hồ đến sự kiện gần đây nhất. Tuy nhiên, vào thế kỷ XIX, một số người lưu giữ đã sao chép các bản đếm của họ lên vải, giấy hoặc sổ ghi chép cho các nhà sưu tập Âu – Mỹ, đồng thời cũng ghi lại những câu chuyện lịch sử truyền miệng đi kèm với chúng. Đến cuối thế kỷ đó, truyền thống này đã lụi tàn khi người dân Lakota bị lực lượng chính phủ Hoa Kỳ tấn công và bị dồn vào những khu bảo tồn. Nhưng đâu đó vẫn còn khoảng từ 50 – 100 tấm da Lịch đếm Mùa đông tồn tại trong các bảo tàng quốc gia lẫn địa phương. Mỗi tấm da hiện được đặt tên theo tên của người Lakota cuối cùng lưu giữ nó hoặc người cung cấp thông tin về nó.
Mãi sau này giới học thuật mới công nhận những nút thắt khipu và Lịch đếm Mùa đông là sách, nhưng về bản chất, mối quan hệ giữa chúng với ký ức cá nhân và cộng đồng, ngôn ngữ và nghi lễ không quá khác biệt so với hình thức sách thông thường. Trong nhiều nền văn hóa, cổ đại lẫn hiện đại, những văn bản tồn tại trong trí nhớ cũng nhiều như trên trang giấy – chẳng hạn như câu nói trong Kinh Thánh. Khi chúng ta thoát ra khỏi rào cản ngôn ngữ trên trang giấy, chúng ta khai mở lịch sử sách tới phạm vi trải nghiệm và biểu đạt văn hóa rộng mở hơn, phong phú hơn.
Công trình “Lịch sử Sách” đến từ Đại học Oxford do James Raven chủ biên, tập hợp tiểu luận nghiên cứu đến từ các giáo sư, tiến sỹ từ Đại học Havard, Đại học London, Đại học Boston, v.v… đưa ta đi khắp thế giới, từ thời cổ đại đến hiện đại, từ những phiến đất sét mang dấu vết chữ hình nêm đến máy tính bảng điện tử có ký hiệu và hình ảnh kỹ thuật số. Các tác giả góp bài ở đây – tất cả đều những là học giả hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu của mình – đã đưa ra những góc nhìn mới mẻ, mang lại hiểu biết tương đối về việc sách đã và đang có ý nghĩa như thế nào trong nhiều xã hội khác nhau, nhất là tại những khu vực mà hiểu biết của chúng ta về chữ viết và sách vở của họ còn vô cùng hạn chế: châu Mỹ.