Mình vừa đọc xong bộ ba tiểu thuyết Đất lành – Đời con – Ly tán do ba dịch giả Nguyễn Vân Hà, Nguyễn Tuấn Bình, Nguyễn Quang Huy thực hiện. Mình đã biết đến nhà văn Pearl S.Buck trong những năm tháng còn học đại học, tuy nhiên mình chỉ tìm hiểu sơ qua về nhà văn chứ chưa thưởng thức những tác phẩm của bà một cách kĩ lưỡng vì giai đoạn đó mình vẫn còn đang đắm đuối với văn học Trung Quốc, đến khi bộ ba tiểu thuyết này được dịch mới lại thì mình mới có cơ hội đọc.
Điều đầu tiên khiến mình thấy hấp dẫn là nghệ thuật kể chuyện của nhà văn Pearl S.Buck. Sự bình dị trong câu từ, chẳng lắt léo hay rối rắm gì cả, bà cứ để từng nhân vật xuất hiện rồi kể về câu chuyện của cuộc đời họ. Ở Đất lành là câu chuyện của một người nông dân mang tên Vương Long, anh bắt đầu cuộc đời với hai bàn tay trắng và rồi dần dần gây dựng nên sự nghiệp lớn với mảnh đất mà anh gắn bó. Sang đến Đời con là câu chuyện của Vương Mãnh Hổ – người con thứ ba với nỗi căm thù người cha của mình, anh cũng tự xây dựng một đế chế của mình khi trở thành tướng lĩnh chứ không đi theo con đường nông dân như cha anh. Sang đến Ly tán là câu chuyện của Vương Nguyên, đứa con trai cũng đối nghịch với cha mình. Nếu tóm tắt truyện thì ta sẽ thấy đó là những câu chuyện bình thường trong xã hội đó, nhưng trong trang văn của Pearl S.Buck bà đã kể câu chuyện ấy một cách sống động.
Sự sống động được thể hiện trong Đất lành khi ta thấy được sự nhọc nhằn của Vương Long khi ngày ngày cần mẫn làm nông để vươn lên khỏi cái nghèo cái đói, hình ảnh người đàn ông Vương Long dẫu có rơi vào nạn đói hay khó khăn cũng không hề từ bỏ. Bởi anh biết rằng phía sau anh còn có gia đình, anh còn có trách nhiệm phải lo lắng và anh biết sau lưng anh luôn có hậu phương vững chắc là người vợ A Lan. Anh có đức tính tốt như thương vợ thương con, có một chi tiết khiến mình ấn tượng là người con gái của Vương Long dẫu ngốc nghếch nhưng anh vẫn không bán cô làm a hoàn trong nạn đói, mà chọn cách nuôi nấng cô từng ngày. Thế nhưng người đàn ông đó vẫn có những điểm xấu như lúc giàu sang thì anh lại phụ bạc người vợ mình, “gái có công sao chồng vẫn phụ” đã khiến người đọc càng thêm thương A Lan. Pearl S. Buck đã không xây dựng nhân vật của mình một cách nhất phiến như toàn thiện hay toàn ác, mà ở đó nhân vật hiện lên rất sinh động, có những mặt tốt khiến người đọc cảm phục và cũng có những mặt xấu khiến chúng ta phải né tránh!
Nếu nghệ thuật kể chuyện là sợi chỉ đỏ xuyên suốt khiến người đọc thu hút thì khả năng giải quyết vấn đề trong tác phẩm của bà lại khiến người ta thấy bất ngờ! Bởi văn chương của bà đã khái quát lên cả một chiều dài lịch sử của Trung Hoa, ở Đất lành là thời kì phong kiến triểu Thanh thì sang Đời con và Ly tán xã hội đã thay đổi, phát triển. Tại đây những vấn đề khác lại được đặt ra để tác giả giải quyết. Mình chỉ lấy một chi tiết tiêu biểu là vấn đề mâu thuẫn trong những mối quan hệ. Đó có thể là mối quan hệ giữa anh em trong Đời con như người con trưởng học hành tử tế nên muốn người khác xem trọng mình bởi học thức, học đòi những thói trưởng giả, người con thứ hai lại là một nhà buôn nên từng suy nghĩ của anh đều tính tới tiền bạc, người con thứ ba là Vương Mãnh Hổ với mong muốn xây dựng một đế chế riêng cho mình. Trong một hình tam giác của mối quan hệ 3 anh em, thì đâu là điểm dung hòa cả 3? Phải chăng đó cũng là những mâu thuẫn trong lòng xã hội Trung Quốc khi đang chuyển từ giai đoạn phong kiến sang hiện đại? Pearl S.Buck không đứng lên thuyết giáo cho người đọc rằng tôi đang nói đến vấn đề A, xã hội B…. Mà ở đó bà chỉ mượn một chi tiết, một vấn đề để đặt ra và giải quyết. Từ những chi tiết đó, người đọc tự suy ngẫm và khái quát lên bối cảnh của xã hội đương thời để thấy được mình trong đó. Phải chăng trong chúng ta cũng có một tam giác như mối quan hệ ba anh em nhà họ Vương? Sẽ có một mặt nào đó của con người khiến ta thích được người khác xem trọng về tri thức, cũng có một mặt ta luôn toan tính với lợi ích, so đo thiệt hơn về tiền tài, và cũng có một mặt nào đó ta luôn muốn mình trở thành một tướng lĩnh có thể hô mưa gọi gió thâu tóm quyền lực? Bởi như Chế Lan Viên đã từng viết: “Anh là tháp Bay-on bốn mặt / Giấu đi ba còn lại đấy là anh”, một sự giấu kín trong thẳm sâu con người đâu thể nào mà ta hiểu thấu cả mình. Nên đọc văn chương của Pearl S.Buck không chỉ nhìn ra vấn đề trong sách, mà ở bản thân tôi cũng tự soi rọi chính mình trong đó!
Đến với Ly tán, mình bỗng nhớ đến hai câu thơ của nhà thơ Tố Hữu
“Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước
Chọn một dòng hay để nước trôi?”
Cuộc đời của Vương Nguyên là đại diện cho những thanh niên với tầng lớp tri thức tiến bộ của xã hội, ở đó anh cùng bạn bè của mình cũng bước vào những chặng hành trình riêng biệt. Mỗi người mỗi hướng đi, có người thì kiên định với con đường của mình khi rời đi nước ngoài để tìm đường làm cách mạng, có người thì hy sinh nhưng cũng có người lại phản bội… Tất cả vấn đề đặt ra chỉ xoay quanh hai chữ lựa chọn! Ta sẽ chọn một cuộc đời nào cho mình? Một câu hỏi khó mà có đáp án chính xác, nhưng hỏi để ta tự phản tỉnh chính mình. Đọc Ly tán của Pearl S.Buck, mình thấy được những mâu thuẫn đặt ra trong xã hội, không những thế đó còn là những mâu thuẫn bên trong nội tâm của mỗi con người. Một hình tượng nào để ta hướng đến và thể hiện? Một xã hội biến động của Trung Quốc đặt nhà văn miêu tả chân thực, chưa sẵn sàng để loại bỏ cái cũ, cũng chưa sẵn sàng lột xác để đổi mới. Chính điều này đã làm nên sự trăn trở cho trí thức trẻ như Vương Nguyên khi luôn băn khoăn trước sự giao thời của đất nước. Đến đây, mình bỗng nhớ đến nhân vật Khổng Ất Kỷ của nhà văn Lỗ Tấn, một trí thức mặc chiếc áo dài đứng giữa quầy trà giữa những người mặc áo ngắn. Anh chê bai người mặc áo ngắn thô lậu vì không thể hòa hợp được, thế nhưng cũng chẳng thể vào bàn trong ngồi cùng những người mặc áo dài trí thức bởi anh chưa đỗ đạt được làm quan. Điều này tạo nên một thế hệ mông lung không biết lựa chọn đi đâu, về đâu cho cuộc đời của chính mình.
Đọc xong bộ ba tiểu thuyết Đất lành – Đời con – Ly tán, mình thấy khâm phục trước khả năng viết của nhà văn Pearl S.Buck, hẳn bà phải yêu và am hiểu lắm về Trung Hoa mới có thể viết nên những trang văn chân thật đến thế. Sự gần gũi trong câu từ, không cầu kì hoa mĩ hay giáo điều mà chỉ lặng lẽ nói lên những gì bà thấy để từ đó người đọc khái quát lên vấn đề! Thế là đủ hấp dẫn cho bộ ba tiểu thuyết, để người đọc cứ say mê, không thể nào buông tay khỏi trang sách mà cứ lật mở để khám phá câu chuyện bà đang viết! Ở đây mình còn đánh giá cao sự chỉn chu trong khâu biên tập, trình bày, thiết kế bìa từ phía anh Bình Book thực hiện. Nhờ đó mà khi cầm cuốn sách lên đọc, người đọc cảm thấy thích thú.