“KHI NGƯỜI TA GIÀU CÓ QUÁ, CUỘC SỐNG RỒI SẼ BIẾN CHUYỂN.” Cảm nhận bộ ba ĐẤT LÀNH của Phạm Mai Linh

Em xin gửi lời cảm ơn chân thành đến ba anh chị dịch giả: chị Nguyễn Vân Hà, anh Nguyễn Tuấn Bình, và anh Nguyễn Quang Huy đã thật sự tâm huyết làm lại bộ sách này. Đây là bộ ba quyển sách thật sự chỉn chu trong biên dịch. Em đã đọc xong bộ này trong vòng 2 tuần kể từ khi được nhận sách và cứ lần lữa vì không biết nên viết như thế nào để làm bật lên sự vĩ đại của bộ sách như một đề tài nghiên cứu đồ sộ của tác giả Pearl.S.Buck. Bộ sách đem cho em rất nhiều những suy tư về một Trung Quốc vào thời điểm ấy. Đầu tiên là về Đất lành,

Đất lành, tóm gọn lại là một người nông dân tên Vương Long phất lên nhờ … “bất động sản” – và bất động sản ở đây chính là đất lành trồng lúa. Gia đình Vương Long và gia đình nông dân thời bấy giờ dường như lấy đất làm la bàn cho chính cuộc đời mình. Ăn ngủ với đất, sống chết nhờ đất, đất luôn còn ở đó chờ ta về. Các đoạn hội thoại của những nhân vật với nhau đều liên quan và bàn bạc về đất. Và đất cũng cùng nhân vật chính – Vương Long đi lên từ nghèo khó, rồi giàu sang và cũng thay đổi chính cuộc sống về sau của ông, cả tinh thần lẫn vật chất.

“Khi người ta giàu có quá, cuộc sống rồi sẽ biến chuyển.”

Đây có lẽ là một điều dự báo cho Vương Long về tương lai của ông sau này, và cũng chính là câu mình ấn tượng nhất. Xuyên suốt câu chuyện mình rất thương A Lan – người đàn bà đầu tiên của Vương Long và được Vương Long đem về, cùng Vương Long chân lấm tay bùn lúc nghèo hèn và chịu thương chịu khó. Bà chỉ được ở nhà, không có quyền lên tiếng trong gia đình và phải phục vụ nhà chồng, bà ra đồng làm việc với chồng cho đến khi sinh con, và khi sinh xong thì lại ra ngoài đồng làm việc tiếp. A Lan im lìm, lặng lẽ như một cái bóng. Một người đàn bà đúng nghĩa vào thời đại ấy yêu thương và hy sinh hết mực và rồi cái kết còn lại cho cô là gì? A Lan bị khinh thường, bị chê bai bởi ngoại hình của mình và bị lãng quên khi Vương Long giàu có. Và mình thấy cay đắng làm sao, sự bất bình đẳng nam nữ lại rõ ràng đến như vậy.

Nhưng Vương Long cũng là một người nông dân có rất nhiều đức tính tốt. Người nông dân này không bỏ mặc gia đình khi nạn đói xảy ra – khi nạn đói hoành hành đến mức người ăn thịt người, ăn thịt súc vật để tồn tại. Vương Long đã chọn không ‘bán’ con gái mình – một việc hết sức bình thường của Trung Quốc vào thời bấy giờ, bán con gái để kiếm thêm chút đỉnh. Ông yêu đất và yêu gia đình, hết lòng với gia đình, và luôn yêu chiều theo ý thích của con cái, luôn khen các con mình đẹp và cho con trai đi học chữ. Vương Long rất hiếu thuận và có hiếu với cha rồi lo hậu sự cho cha đến nơi đến chốn, và chăm lo cho gia đình anh em họ mình dù chẳng ưa gì nhau. Ông cũng rất thương đứa con gái chỉ cười và ngồi sưởi nắng chơi với sợi chỉ – đứa con gái dù tật nguyền lại là niềm an ủi về tinh thần của Vương Long cả đời. Quan trọng nhất, ông cũng là người thức thời, biết cách xoay đổi vận mệnh của mình để trở nên thịnh vượng và ông giữ được sự giàu có để giành dụm của cải cho những người con sau này nhờ tính chân chất của mình, bởi dù đã đổi vận hạn thì ông vẫn đi cày cuốc cùng mọi người như thường lệ ở chính mảnh đất cày của mình. Cũng chính suy nghĩ của Vương Long làm mình bật cười, ‘ông trông còn giống nông dân hơn cả những đứa con của mình’.

Xuyên suốt Đất lành xoay vần cùng cuộc đời nhân vật Vương Long và những biến chuyển của thời đại. Ta sẽ bắt gặp nạn đói, chiến tranh, nạn châu chấu, nạn hạn hán rồi lũ quét hoành hành trong thời kì loạn lạc. Ta cũng sẽ bắt gặp sự thay đổi dần dần về tuyến nhân vật và sự chuyển giao thế hệ, người dân dần lên làm chủ, người từng giàu có lại thành người hầu và ngược lại,… tất cả đều xoay vần theo thời đại. Với lối viết điềm đạm và giản dị của tác giả, tất cả số phận của những nhân vật hiện ra đều như có như không, bởi tất cả đều chịu ảnh hưởng bởi thời đại Trung Quốc lúc bấy giờ.

Đến với Đời con thì lại là câu chuyện khác…

Đời con là những câu chuyện xoay quanh của từng người con của Vương Long. Mỗi người con đều không có tên, và đặt tên gợi theo tính cách nổi trội được người dân xung quanh nhớ đến – Vương Điền Chủ, Vương Thương Gia, Vương Mãnh Hổ và cô con gái ngốc.

“Nếu các con bán đất, đó sẽ là dấu chấm hết.” – lời trăn trối cuối cùng của Vương Long trước khi lìa đời, nhưng ‘phía trên mái đầu cha già, hai cậu nhìn nhau và mỉm cười’. Lời trăn trối của Vương Long cũng chính là lời tiên tri cho sự chấm hết và ly tán của gia tộc họ Vương này trong tương lai.

Vương Điền Chủ được gọi là điền chủ nhưng không phải là người nắm giữ nhiều điền chủ, mà bởi vì anh sống như một người điền chủ – tiêu tiền như nước, thích ăn ngon mặc đẹp và những thứ phù du, luôn sợ tai tiếng và lời nhận xét về mình và gia đình mình của những người hàng xóm láng giềng xung quanh. Vương Thương Gia nắm trong tay nhiều tiền bạc vì buôn bán ngũ cốc, dù giàu có nhưng lại có tính keo kiệt bủn xỉn, luôn nghĩ phần lợi về phía mình. Bất ngờ nhất chính là Vương Mãnh Hổ – người con ban đầu luôn im lặng im lìm theo cha ra ruộng học về cày cấy, thì lại trở thành một lãnh chúa vì sự tài hoa trong quân sự và sự dũng mãnh của mình.

Trong Đời con, mình thích nhất là sự biến chuyển trong tâm lý của người con trai thứ ba Vương Mãnh Hổ. Bắt đầu là một chàng trai hiền lành, im lìm và chịu theo bố mình sắp xếp – giống hệt tính cách của người mẹ A Lan, Vương Mãnh Hổ đã bỏ nhà ra đi vì một chuyện nổi bật xảy ra trong nhà, sau đó anh đi theo tiếng gọi của quân sự và tin rằng quân sự giúp mình đổi đời. Quả đúng như thế, anh thành công trong quân sự, dần dần trở thành lãnh chúa được nhiều người trọng phụng và anh em trong nhà kính nể. Anh dũng mãnh và ác độc trong quân sự, từng tuyên bố không bao giờ thích động chạm và liên quan đến phụ nữ, nhưng lại có phút giây yếu mềm say mê người đàn bà của một lãnh chúa mà mình lật đổ, và rồi trái tim anh tan vỡ khi phát hiện ra người đàn bà này phản bội mình. Anh cũng có tình yêu mãnh liệt với con cái và khao khát có con trai khi nhìn hai anh của mình có con cái tề tựu. Khi Vương Mãnh Hổ được toại nguyện có con trai, anh dồn hết tình yêu mãnh liệt ấy cho con trai mình, dạy đứa con ấy đủ điều về quân sự nhưng con trai lại chẳng yêu nghề của anh, mà lại đi thích thú với con người, hoa cỏ và cày cấy giống người ông Vương Long. Ta thấy vòng lặp cuộc đời ở đây của Vương Long – Vương Mãnh Hổ – con trai Vương Mãnh Hổ, bởi Vương Long từng ép Mãnh Hổ học nghề nông nhưng Vương Mãnh Hổ lại không chịu và khi Vương Mãnh Hổ ép con theo quân sự thì con trai lại thích theo nghề nông giống ông nó. Quả là cay đắng làm sao, khi mình dồn hết tình yêu và hy vọng đến với con, mong con theo những thứ mình coi là vĩ đại, là nắm giữ ngôi quyền thì con lại yêu thích những thứ tầm thường. Vương Mãnh Hổ thành công trong việc trị con người, nhưng lại thất bại trong tình yêu và con cái. Từ con người Vương Mãnh Hổ, có thể thấy rõ sự đối ngược trong tâm hồn và tính cách của người lãnh chúa này, có độc ác hung dữ thì cũng có lúc mềm yếu và tan vỡ, mà thứ làm anh vụn vỡ lại xuất phát từ gia đình.

Đời con cũng cho thấy những biến chuyển dần của xã hội trong thời kì chiến tranh loạn lạc, khi người cầm quyền là những lãnh chúa và người dân phải nộp đủ loại thuế má chỉ để được yên phận. Quyền lực và tiền bạc dần lên ngôi. Ba anh em nhà họ Vương chính là những lớp người vừa có tiền của của cha để lại, lại vừa có quyền lực của Mãnh Hổ. Tiền và quyền lực đem đến cho họ địa vị, nhưng ba anh em lại bị xoay vần trong vòng xoáy ấy, để rồi dẫn đến sự ly tán sau này.

Có thể là hình ảnh về sách, nhật ký và văn bản

Và rồi đến với Ly tán…

Đến với Ly tán, là đến với một thế giới mới và đầy rộng mở, vì văn hóa phương Tây dần dần du nhập sang Trung Quốc. Có những người mắc kẹt ở thời đại cũ, lại có những người bị mắc kẹt giữa hai nền văn hóa khác nhau và tự hỏi mình đang đi đâu về đâu. Ly tán – đúng như tên gọi, là sự chia ly phân cách giữa những người con và người cháu của đại gia tộc họ Vương, người Bắc kẻ Nam và người mắc kẹt vì ảo tưởng quyền lực của mình. Tại đây, những người cháu của Vương Long bắt đầu có những cái tên mang hơi thở của thời đại mới, điển hình là Vương Nguyên – con trai Vương Mãnh Hổ.

Vương Nguyên là người đại diện cho thời đại mới này, cậu mắc kẹt giữa nhiều thế hệ từ ông mình đến đời cha mình, mắc kẹt giữa thời đại cũ và thời đại mới, và cũng mắc kẹt bởi chính hoài nghi về bản thân. Cậu mang trên mình gánh nặng phải có hiếu với cha, nhưng lại khao khát được ra bên ngoài tìm hiểu về mọi người và thế giới xung quanh. Cậu mệt mỏi với những áp lực, quyền thế và hy vọng của cha Mãnh Hổ dồn nén lên cậu – như cách Vương Long ngày xưa từng làm với Vương Mãnh Hổ, cậu bị dồn nén đến cùng và buộc cậu phải rời xa cha để tìm kiếm chính mình – như cách xưa kia Vương Mãnh Hổ rời xa cha.

Với Ly tán, có lẽ là quyển mình thấy gần gũi nhất vì gần thời đại với mình nhất, và mình cảm thấy đồng điệu với những cảm xúc cũng như suy tư của nhân vật. Vương Nguyên cảm thấy chông chênh với tuổi trẻ của mình bởi không có ai dẫn đường chỉ lối cho cậu. Cũng dễ hiểu vào thời điểm đó, tất cả mọi người đều không có định hướng chính xác cho cuộc đời mình, ai cũng lao đi với thời đại. Vương Nguyên vừa cảm thấy sung sướng và hạnh phúc khi được là chính mình, nhưng giá phải trả cũng quá đắt khi phải dựa vào người cha Vương Mãnh Hổ và gánh trên vai số tiền nợ khủng lồ mà cha để lại. Cậu du nhập giá trị phương Tây, nhưng cũng hoài nghi phương Tây và tin vào những giá trị và di sản mà Trung Hoa để lại dù cũng nhiều lúc cảm thấy cay đắng bởi sự nghèo và sự dơ bẩn mà người nghèo mang lại vẫn còn in sâu vào tâm trí Vương Nguyên về Trung Quốc. Cậu luôn cảm thấy mình như chẳng thuộc về thế hệ và thời đại nào, và đất quê lại là nơi cậu trở về – đất luôn ở đó chờ ta về.

Quả thực, đây là bộ sách vĩ đại về một Trung Quốc lúc bấy giờ, và xứng đáng được giải Nobel (dù tác giả cũng đôi lúc nhầm lẫn nhân vật ở tập 3 Ly Tán). Mình đã cùng khóc cùng cười với nhân vật, cũng lên án phê phán sự bất bình đẳng nam nữ, phân biệt giàu nghèo và rồi cũng cảm thông cho số phận của họ. Tác giả không viết đao to búa lớn hay văn chương đồ sộ, mà cứ từ từ chậm rãi nhẹ nhàng với câu từ đơn giản, giản dị, khiến người đọc như cùng trải qua cùng các nhân vật từ thời phong kiến nhà Thanh đến thời hiện đại và hiểu rõ hơn con người và tình người Trung Quốc. Điều khiến mình nhớ hơn về bộ sách này chính là tác giả, một tác giả nước ngoài hiểu tường tận về Trung Quốc và sẵn sàng nói lên sự thật và phương Tây trong thời kỳ bấy giờ. Khi gấp cuốn sách lại, thứ đọng lại trong mình chính là sự vô thường của những kiếp người, trải qua ba thế hệ dài đằng đẵng, được thể hiện qua Đất lành – Đời con – Ly tán: Con người sống là nhờ đất, thụ hưởng sự thịnh vượng cũng nhờ đất chở che, và lúc lìa đời lại về với đất.

Ảnh: Thuý Diễm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *