KAHLIL GIBRAN VÀ NHỮNG VẦN NGÔN SỨ ĐẸP NÊN THƠ

 

Nguyễn Tuấn Bình

Trước nay khi nghe quảng bá về “Ngôn Sứ”, tôi thường đọc thấy những lời “đao to búa lớn” như sau: Kahlil Gibran là một trong những tác giả có sách được đọc nhiều nhất trong thể kỷ XX. Tại Mỹ, “Ngôn Sứ” (The Prophet) là cuốn sách được bán chạy nhất trong nhiều năm liền, chỉ sau Kinh Thánh. Giới xuất bản đánh giá ông là nhà thơ có sách bán chạy thứ ba của mọi thời đại sau Shakespeare và Lão Tử. Thú thật, đọc đến vậy là tôi cũng ngại, bán tín bán nghi. Mãi về sau, người ta nói, in và dịch “Ngôn Sứ” quá nhiều, buộc tôi cũng phải đọc và tìm hiểu

Tôi biết rằng Kahlil Gibran (1883-1931) là một triết gia, nhà văn, nhà thơ, họa sĩ gốc Liban. Khi viết lên “Ngôn Sứ”, ông nói rằng đây là tác phẩm triết luận chứ không phải áng thơ ca nhưng ông muốn tác phẩm đến với người đọc bằng những hình ảnh đẹp nhất và những âm thanh uyển chuyển nhất. Cùng với sự cố vấn của bà Mary Haskell, một người có ảnh hưởng quan trọng trong quá trình sáng tác của Kahlil Gibran, tác phẩm khi đến với người đọc dường như đã đạt đến độ thẩm mỹ và cô đọng nhất.

Có thể là hình minh họa về văn bản

Tôi lật giở trang về HÔN NHÂN để bạn thưởng thức. Ở tuổi 40, tôi thấy nó như nói hộ lòng mình, bản dịch tôi lựa chọn là của Lệ Hằng (Ngôn Sứ, Book Hunter phát hành) bởi dịch giả đã gắng truyền tải chất thơ và nhịp điệu uyển chuyển của ngôn ngữ trong Ngôn Sứ:

Love one another, but make not a bond of love:

Let it rather be a moving sea between the shores of your souls.

Fill each other’s cup but drink not from one cup.

Give one another of your bread but eat not from the same loaf. Sing and dance together and be joyous, but let each one of you be alone,

Even as the strings of a lute are alone though they quiver with the same music.

Dịch:

Hãy yêu nhau, nhưng đừng đan sợi xích tình ái

mà hãy cho đại dương dạt dào sóng vỗ

nối đôi bờ huyền diệu của lòng nhau.

Hãy rót đầy cốc nhau nhưng đừng uống chung một cốc.

Hãy bón cho nhau những mẩu bánh mì nhưng đừng ăn chung một ổ.

Hãy nhảy múa cùng nhau và vui sướng nhưng cũng để cho nhau những khoảnh khắc một mình,

vì thậm chí, dù cùng rung và hòa chung trong tiếng nhạc

những sợi dây đàn cũng phải đứng riêng ra.

Phải, phải lắm! Tình yêu là sinh ra cho nhau và thuộc về nhau mãi mãi, nhưng:

Hãy cho nhau trái tim

Nhưng đừng đặt nó trong túi riêng của bất kỳ ai.

Vậy còn CON CÁI của chúng ta thì sao? Tôi lại tìm thấy lời tỉnh thức từ “Ngôn Sứ”:

Con có thể cho chúng tình yêu

 nhưng không cách chi cho ý nghĩ trong đầu

 vì tự chúng đã có riêng ý nghĩ.

 

Con có thể cho chúng mái nhà trú ngụ phần thể xác

nhưng không thể xây ngôi nhà của linh hồn

vì linh hồn chúng ngụ trong mái ấm của ngày mai,

nơi mà con dù trong mơ cũng không thể đến.

 

Con có thể hết lòng mà trở nên giống chúng

 nhưng đừng tìm cách khiến chúng giống như mình

bởi cuộc sống là luôn tiến tới, không giật lùi hay nấn ná ngày qua.

Phải không bạn và tôi? Ta sinh ra và giáo dưỡng bọn trẻ, nhưng hãy nhớ rằng: nuôi dạy là để chúng đủ lông đủ cánh và bay đi. Làm cha mẹ làm sao trói buộc được!

Sinh thời, Kahlil Gibran đã đưa ra dự đoán về sự thành công của cuốn sách này và chính ông đã nói rằng nó sẽ là tác phẩm được biết đến nhiều nhất và tiêu biểu cho tên tuổi của ông. Đúng như những gì ông dự đoán, dù có rất nhiều ý kiến về nó thuở ban đầu, thì cuốn sách vẫn được bạn đọc đón nhận một cách nồng nhiệt và chiếm một vị trí đặc biệt trong lòng giới yêu sách. Nhiều người thậm chí còn cho rằng đây là một cuốn “Thánh Kinh” kiểu mới, nhận định trên có hơi cường điệu và có thể tổn thương niềm tin tôn giáo của nhiều người, nhưng nếu nhìn nhận đó là lời cảm thán phát ra từ bạn đọc thể hiện sự tâm đắc của họ thì chúng ta có thể đồng ý chắc chắn với nhau rằng, cuốn sách có sức thuyết phục, nó khiến người ta xúc động sâu sắc. Và, nó đã đạt đến độ khái quát lẫn cô đọng tuyệt vời. Nhiều người xem Ngôn Sứ của Gibran là cuốn sách gối đầu giường và khẳng định bởi bất cứ khi nào bạn lật cuốn sách ra, bạn đều có thể tìm thấy lời khuyên và tâm tình cho tất cả những vấn đề bạn gặp trong cuộc sống.

 

Ngôn Sứ (The Prophet) được xuất bản vào năm 1923 và Alfred A.Knopf chính là nhà xuất bản có công đầu trong việc giới thiệu tác phẩm đến với công chúng. Trong lần in đầu tiên, Alfred A. Knopf đặt tham vọng với 2000 bản in, và họ đã bán được hơn 1000 bản trong năm đầu tiên. Trong năm tiếp theo, họ bán được số lượng gấp đôi và nhu cầu về Ngôn Sứ tiếp tục tăng lên trong các năm kế tiếp. Cuốn sách được dịch sang tiếng Pháp và sau đó là tiếng Đức. Sau khi tác giả qua đời, tác phẩm tiếp tục được phổ biến và lan truyền như một làn sóng không thể dừng lại được, đến nay, Ngôn Sứ được dịch sang ít nhất là 100 thứ tiếng và trở thành một trong những sách dịch bán chạy nhất trong lịch sử.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *