Tại thành phố Hồ Chí Minh có THCS Colette toạ lạc tại Quận 3, ngôi trường có bề dày thành tích trong việc dạy và học không chỉ của quận mà còn của thành phố. Nhưng ít ai biết cái tên Colette đó là ai, chỉ biết rằng nó đã có từ thời Pháp thuộc. Nhân sự kiện tác phẩm Chéri lần đầu của xuất bản tại Việt Nam, một tiểu thuyết nói về cuộc tình đi đến hồi kết giữa cô kỹ nữ hạng sang luống tuổi đã nghỉ hưu Léa với chàng công tử bột Chéri. Ngày nay, Chéri được coi là kiệt tác của Colette, tuy nhiên quãng những năm 1920, thời điểm tác phẩm này ra đời đã gây nhiều tranh cãi, vì khung cảnh câu truyện nói về giới kỹ nữ quý phái Paris và cũng bởi cuốn sách này mô tả Chéri chìm đắm trong chủ nghĩa khoái lạc. Chúng ta cùng tìm hiểu về nữ văn sĩ Colette.
Colette không chỉ đơn thuần là nhà văn ưu tú nhất trong thời đại của bà (từng là chủ tịch Hội văn học Goncourt) mà còn là một trong những người lẫy lừng nhất trong giai đoạn đó (được chính phủ Pháp trao huân chương Bắc Đẩu Bội tinh). Vốn là người đàn bà có đời sống phóng túng với nhiều tai tiếng, bị Nhà thờ từ chối cử hành chôn cất cô theo nghi thức người Công giáo với lý do đã ly hôn nhiều lần, vậy mà vào thời điểm bà qua đời, vào năm 1954, Colette đã trở thành một tượng đài, nữ văn sĩ Pháp đầu tiên từng được vinh danh bằng một lễ quốc tang vì đã có công che giấu một số người thân và chồng mình có gốc gác Do Thái trên tầng gác xép sát mái nhà trong thời Đức Quốc xã chiếm đóng Pháp.
Lúc thì cách mạng lúc lại suy đồi, mang tư tưởng giải phóng rồi bảo thủ, một con người cổ suý cho phong cách truyền thống dẫu chối bỏ những gì gán cho nó nhưng lại đề cao tước hiệu, Colette chính là hình mẫu cho sự mâu thuẫn. Cuộc đời (kéo dài suốt 81 năm) và sự nghiệp sáng tác của bà (hơn 40 đầu sách) đều có thể coi như khúc sử thi, và bởi tác phẩm của bà thường mang tính tự truyện nên cả hai gắn bó chặt chẽ với nhau dưới góc nhìn công chúng. Vậy nên nếu còn điều gì đó chưa thoả đáng, thì chính danh tiếng đã che khuất đi sự vĩ đại trong văn nghiệp của bà: Cuộc đời đầy biến động vô tình làm lu mờ những thành tựu văn chương tạo dựng qua các tiểu thuyết vô cùng được mến mộ của bà.
Sinh ra ở Burgundy vào năm 1873, Sidonie-Gabrielle Colette kết hôn ở tuổi 20 và chuyển đến Paris cùng chồng, một nhà văn và là nhà xuất bản phóng đãng, khát khao được nổi tiếng với biệt danh “Willy”. Những cuốn tiểu thuyết đầu tiên của cô (bộ truyện “Claudine”, kể về thời thanh xuân của một nữ sinh Burgundy đương tuổi dậy thì và được xuất bản dưới tên chồng cô) đã thành công vang dội.
Cũng trong giai đoạn này, Colette và Willy – với tư tưởng phóng túng, nổi loạn cả bên trong lẫn bên ngoài đời sống cặp đôi – đã khiến cho cả Paris dậy sóng. Khi cặp đôi này ly hôn, Colette, không dành lại được số tiền mình kiếm được, chuyển sang viết báo và lấn sân sang các sân khấu ca nhạc lưu động, nơi cô ăn mặc những bộ trang phục khêu gợi, hay cải trang thành nam giới với nụ hôn gây náo loạn với người tình đồng giới Mathilde de Morny (“Max” ), Marquise de Belbeuf. Những điều này đã làm hoen ố thanh danh cô.
“The Vagabond” (tạm dịch: Ả giang hồ) xuất bản năm 1910, câu chuyện kể về những năm tháng đi diễn trong rạp hát của cô, đã đưa Colette trở thành nhà văn nổi tiếng theo đúng nghĩa; “Chéri” năm 1920 và phần tiếp theo của nó (một phần dựa trên mối tình của bà với cậu con trai tuổi teen của người chồng thứ hai, và sau đó là người chồng thứ ba trẻ hơn nhiều tuổi của bà) ngay lập tức được coi là tác phẩm kinh điển. Là một người làm việc không mệt mỏi, Colette đã dành những năm 1920 và 1930 để sáng tác tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch và hồi ký. Mặc dù viết bài về những vấn đề phụ nữ quan tâm cho các tạp chí ủng hộ Đức Quốc xã trong suốt thời kỳ chiếm đóng, bà vẫn duy trì được địa vị cao quý của mình vì bà đã có công che giấu người chồng Do Thái thứ ba của mình.
Bước sang thời kỳ hậu chiến, hình ảnh của Colette trước công chúng đã mềm mỏng đi nhiều: Bà vẫn nổi tiếng lập dị, tuy nhiên được biết đến nhiều vì tình yêu dành cho mèo và những tiện nghi xa hoa dành cho công việc. Số phận của bà mang nhiều nét giống Gigi, nhân vật nữ chính trong cuốn đoản thiên tiểu thuyết xuất bản năm 1944, người phụ nữ đã vượt qua các tầng lớp xã hội của Paris, từ thế giới của đám kỹ nữ vươn lên thế giới của các vị nữ gia chủ trong xã hội. Năm 1953, Colette được tặng thưởng huân chương Bắc Đẩu Bội tinh cấp bậc Đại Sĩ quan (Grand Officer). Bà cũng được nhìn nhận là một văn sĩ hàng đầu như Katherine Anne Porter viết trên tờ The New York Times năm 1951: “Colette là nhà văn viết tiểu thuyết Pháp vĩ đại nhất đương thời, và đó là thời kỳ Gide và Proust vẫn hoạt động.”
Tác phẩm nổi tiếng nhất của bà?
Đó có lẽ là GIGI (1944). Câu chuyện kể về một về một cô bé 15 tuổi sắp được bán đấu giá cho người trả giá cao nhất: Nhân vật Gigi, theo những lời đồn đoán, là cô giá Colette quan sát lần đầu tiên trong tuần trăng mật của cô ở Riviera thuộc Pháp với ông trùm truyền thông lớn tuổi hơn nhiều Henri Letellier, khi ở bên cạnh những kỹ nữ lớn tuổi đã nuôi dạy cô. Nhưng bản thân Colette chưa bao giờ xác nhận tin đồn này. Colette chính người có công phát hiện ra Audrey Hepburn trẻ trung, vô danh để đóng vai chính trong vở kịch Gigi ở sân khấu Broadway. Theo chính Hepburn, thì thời điểm đó cô đang cùng đoàn làm phim Monte Carlo Baby (1952) trú tại một khách sạn ở miền Nam nước Pháp để quay một cảnh ngắn tại địa phương, trong một vai nhỏ được phân công theo hợp đồng. Hepburn lúc đó chưa có tiếng tăm gì. Colette đã tình cờ nhìn thấy Hepburn đi bộ qua tiền sảnh của khách sạn, và ngay lập tức nói với bạn đồng hành của mình: “Đây là Gigi của tôi!”. Việc bán bản quyền chuyển thể từ sách sang kịch cũng như phim có vẻ như giúp cho bà lần đầu tiên có được sự đảm bảo về tài chính. Giống như nhiều tác phẩm của Colette, cuốn tiểu thuyết vừa hoài nghi yếm thế vừa nhân văn sâu sắc – vừa sục sôi lục bục, đúng thế, nhưng vẫn mang phong vị chua cay. Colette, con người đam mê ẩm thực và rượu vang, sẽ chẳng phản đối cách ví von đó đâu.
***
Nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh Colette, có ít nhất 7 cuốn sách mới viết về nữ văn sĩ người Pháp sẽ ra mắt độc giả trong năm 2023. Tại Thụy Sĩ, người ta tổ chức một cuộc triển lãm lớn về tác giả tuyển tập Claudine; còn tại từ Montréal đến Luân Đôn, Hồng Kông, hay Beyrouth, người ta tổ chức những cuộc hội thảo và nhiều sinh hoạt văn hóa khác để vinh danh Colette.