BẢY CHUYỆN KỂ GOTHIC – VẺ ĐẸP CỦA SỰ HUYỀN BÍ (Bài viết của Huỳnh Quốc Cường)

Trước nay mình đọc sách thường sẽ phân làm 2 loại sách, 1 loại để giải trí trong thời gian ngắn hạn, vốn chỉ kéo dài tầm 1 tuần đổ lại và 1 loại là để “thách thức” nhằm muốn bản thân chinh phục thêm những đỉnh cao khác trong văn chương mà mình chưa từng chạm đến. Đó là những cuốn sách như kiểu Linh sơn của Cao Hành Kiện, Anh em nhà Karamazov của Dostoevsky… và cũng khá lâu rồi mình mới đọc lại được một quyển sách thách thức mình như cuốn Bảy chuyện kể Gothic của nhà văn Đan Mạch – Isak Dinesen.

Có thể là hình ảnh về văn bản cho biết 'DESSELLER ISAK DINESEN OUT DUTOFAFRICA OF AFRICA tàn a ELA SALLY ROC BEAUTIFUL WORLD, WHER ChâuPh N Isak Dinesen บ้อ Dình dịch иAo Nguyễn ጋትጂ ቅትአስደ ሰደ THE T4JTYAR GIỚI TƯƠI ĐEP IGƯỜI O ASHIMI OKE KEITSSHELL SHELL 4ና 9年有台191 WHITEHE L2ED ัุณสำ 工 お上 BAY COHC 優 NU CHUYỆNK KÉ VE VIỆT 我A精 7BA BANP ኒብት JOSEE hèn มีกว ŠKVORECKÝ Khát hennhát บูส! Ng:oidr ซีซ้'

Trong quá trình học ở đại học, mình cũng từng được nghe tới thuật ngữ Gothic, xin trích một đoạn giới thiệu sau: “Gothic như là một phong cách nghệ thuật của những điều quái dị, kỳ lạ, u ám quyện với tinh thần lãng mạn rợn ngợp, vừa đẹp mê muội, vừa đáng sợ ám ảnh. Và phong cách nghệ thuật này đã đi vào mạch nguồn sáng tạo bất tận của con người để tạo nên một dòng chảy đầy hấp lực – văn học Gothic.” (Trích theo Văn học Gothic từ góc nhìn phân tâm học) Dẫu biết văn học Gothic đã có từ lâu nhưng trong giới hạn của chương trình học ở đại học nên mình cũng chẳng tìm hiểu sâu, đến bây giờ mình mới bắt đầu tìm hiểu và bị hấp dẫn. Đó là một mê lộ dẫn mình đến một vùng đất huyền bí của văn chương, buộc mình phải tự tìm kiếm sức hấp dẫn ở những khoảng trống của con chữ. Đầu óc mình tự vẽ ra những khung cảnh, những con đường và rồi mình lại trầm tư suy nghĩ với những câu chuyện mà tác giả gửi gắm.

Trong bảy chuyện kể ấy độ dài ngắn khác nhau, tất cả đều để lại một dấu ấn nhất định trong lòng người đọc. Ví dụ như khi đọc “Những con đường vòng quanh Pisa” mình đã bị cuốn hút theo nhiệm vụ tìm kiếm cô gái Rosina di Gampocorta của bá tước Augustus. Nhiệm vụ đang được thực hiện thì bỗng dưng bị gián đoạn bởi sự xuất hiện của một chàng trai trẻ xinh đẹp. Chàng trai trẻ với khát khao nghiên cứu thiên văn học bởi vì cậu “chẳng thể chịu đựng được suy nghĩ về thời gian”. Ngay khoảnh khắc ấy mình bỗng dưng dừng đọc, mình đã phải note lại câu nói ấy bởi đôi lúc mình cũng giống như nhân vật chàng trai ấy khi suy nghĩ về thời gian. Sự miên viễn của dòng chảy ấy cứ như từng cơn sóng cuốn vào bờ, đem những điều mình đang có đi và để lại cho mình những thách thức. Mình chợt hiểu ra sức hấp dẫn của tác phẩm không phải nằm ở việc kết quả của nhiệm vụ mà nhân vật đang thực hiện là gì, mà là việc bạn nhìn thấy mình ở trong đó để suy nghiệm. Chính khoảnh khắc ấy mình đã thấy mình hóa thân vào nhân vật trong tác phẩm để đi “con đường” mà nhà văn gợi ra.

Hay trong “Những kẻ sống trong mơ” với nhân vật chính là một phụ nữ tên là Pellegrina có khả năng nhập vai những phụ nữ hoàn toàn trái ngược nhau về cuộc sống và danh tính. Nhà văn Isak Dinesen đã thể hiện một góc nhìn đầy mới mẻ về tính nữ khi cho phép nhân vật nữ được quyền chủ động, sống trong nhiều cuộc sống mà họ lựa chọn chứ không phải sống theo khuôn mẫu cứng nhắc mà xã hội quy định. Mình thấy tác phẩm như một chiếc gương soi, không chỉ soi nhân vật vào trong đó mà còn soi cả chính mình, đôi lúc chúng ta cũng đang bị bó buộc trong những khuôn mẫu nào đó mà xã hội quy định hoặc chính chúng ta cũng vô tình quy định cho mình. Đọc một câu chuyện nhỏ để thấy mình cũng cần soi rọi và đưa ra lựa chọn cho mình ấy chứ.

Sự huyền bí của tác phẩm được thể hiện trong việc xây dựng bối cảnh truyện, mình thấy đây là một phần khá thách thức khi làm sao cho độc giả ở thế kỉ XXI vẫn hình dung được những khung cảnh của thế kỉ trước với những đường nét kiến trúc, không gian độc đáo. Đó là cái tài của nhà văn, và bà đã thành công khi khiến mình bị hấp dẫn để rồi phải tra google để biết những tòa lâu đài, những bối cảnh trong truyện được khắc họa có đường nét thế nào.

Mình biết rằng, để đọc một tác phẩm chúng ta sẽ luôn tìm kiếm những thông điệp ẩn sâu bên dưới ngôn ngữ, điều này cũng được tác giả thể hiện khá ấn tượng. Bà không lên gân giáo điều, không gọi tên những bài học mà chỉ lặng lẽ gửi gắm chúng qua hình tượng nhân vật, qua những hành trình mà nhân vật đã đi. Có lẽ, dùng từ “sưởi ấm tâm hồn” sẽ đúng cho trường hợp này khi những giá trị về tình yêu, sự hy sinh, trung thành – phản bội… đều được tác giả gửi gắm một cách hợp tình hợp lí để ta hiểu rõ về bản chất của con người.

Mình thấy thích thú với việc sau mỗi câu chuyện là một phần bàn luận, phân tích sâu sắc từ tiểu luận “Để hiểu Isak Dinesen” từ đó giúp người đọc hiểu hơn về tác phẩm. Có những phần phân tích khi đọc xong khiến mình vỡ òa vì thấy mình cũng hiểu như thế, cũng có đoạn khiến mình phải mở sách ra đọc lại sau khi đọc phân tích. Bởi mỗi tác phẩm chỉ sống mãi khi gợi ra cho người đọc sự suy tư, trăn trở sau mỗi câu chữ! Dẫu biết rằng cuốn sách sẽ khá thách thức người đọc đấy nhưng sau khi chinh phục xong mình thấy thích thú, vỡ òa vì những cảm xúc tuyệt vời trên chặng hành trình đọc của mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *